Cô Trương Thị Tâm Nguyên gương sáng trong sự nghiệp trồng người

Lượt xem:

Đọc bài viết

Thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, gương mẫu và vận động học sinh thực hành tiết kiệm lập ra kế hoạch chi tiêu cụ thể và hợp lí, tham mưu với Ban Giám hiệu, công đoàn nhằm phát động mỗi giáo viên thực hiện chi tiêu đúng mức ở gia đình cũng như ở đơn vị, từ trang phục làm việc giản dị tươm tất, lịch sự, đến việc sử dụng điện, nước, văn phòng phẩm, dụng cụ, hóa chất khi thí nghiệm… đều luôn được chi dùng đúng mức hoặc bảo quản cẩn thận. Đó là tấm gương cô Trương Thị Tâm Nguyên, giáo viên trường THCS Vĩnh Bình Nam 1, huyện Vĩnh Thuận, nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm áp dụng hay cho học sinh của trường và học sinh THCS trên toàn huyện.

Cô Trương Thị Tâm Nguyên, đang hướng dẫn học sinh giải bài tập

Năm 1994, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm, cô về công tác tại trường cấp 2A Vĩnh Bình Nam nay là trường THCS Vĩnh Bình Nam 1, theo cô để có được kết quả như ngày hôm nay là cả quá trình phấn đấu không ngừng của cô, bản thân luôn tích cực nghiên cứu, tìm ra những phương pháp dạy giúp cho học sinh dễ hiểu, tham gia đầy đủ các buổi họp, thường xuyên trao đổi với giáo viên trong tổ những vấn đề khó về chuyên môn thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thao giảng, chuyên đề, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn về mọi mặt. Tham gia dự các lớp bồi dưỡng chính trị hè, bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn, sử dụng đồ dùng dạy học thường xuyên có hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và tự giác nghiên cứu tài liệu vào việc đổi mới phương pháp nên chất lượng giảng dạy ngày càng được nâng cao.

Trong giai đoạn 2010-2014, cô có những báo cáo giải pháp tác nghiệp đã được Hội đồng xét duyệt sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở công nhận và đánh giá cao được áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn ngành, cụ thể đề tài:  “Giúp học sinh học tốt tiết luyện tập môn hóa học lớp 9”; “Tính theo phương trình hóa học”  môn Hóa học 8;  “Kinh nghiệm thực hiện thí nghiệm Hóa học 9”; “Kinh nghiệm viết công thức cấu tạo phân tử hợp chất hữu cơ” môn Hóa học 9. Với việc áp dụng giải pháp trên, rèn cho các em học sinh có kỹ năng giải bài tập Hóa học, viết công thức Hóa học, thực hành thí nghiệm rất tốt,… hạn chế được tỉ lệ học sinh yếu kém, nâng cao chất lượng bộ môn, tạo nguồn học sinh giỏi cho những năm sau. Cô Trương Thị Tâm Nguyên, chia sẻ: “nói chung trước đây cơ sở vật chất về bên Hóa thì các dụng cụ thí nghiệm và hóa chất còn thiếu rất nhiều, thì bản thân cùng với học sinh tự làm các dụng cụ học tập để cho các em có điều kiện học hơn, sau này trường bắt đầu đạt chuẩn nên trường có đầy đủ một số dụng cụ thí nghiệm rồi hóa chất có phòng bộ môn cho các em tiếp cận với thí nghiệm rồi các em biết quan sát hiện tượng thực hành, các em trau dồi kỹ năng thực hành hóa học để từ đó rút ra được kiến thức trong học tập của các em. Theo như mình qua kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, sau mỗi một tiết day thì mình thường về đút kết lại nghĩa là thành công cái gì, không thành công cái gì, sau đó mình suy nghĩ tìm ra phương án dạy cho từng đối tượng học sinh”

Thế mạnh của cô là trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi, từ năm 2015 đến năm 2018 học sinh của cô có 13 em đạt giải cấp tỉnh và 40 em đạt giải cấp huyện. Theo cô công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là một công việc không dễ, đòi hỏi người giáo viên phải có đủ kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, nhiệt tình, tận tụy, đem hết cái tâm của mình ra để truyền tải kiến thức kĩ năng và phương pháp nhằm trang bị cho học sinh một cách có hệ thống từ lý thuyết đến kĩ năng giải bài tập, vận dụng giải thích hiện tượng thực tế theo hướng: “Học – Hỏi – Hiểu – Hành”. Cô đã tạo nguồn đội tuyển học sinh giỏi bằng cách phát hiện tài năng trong quá trình dạy, theo dõi sự nhạy bén của học sinh thông qua những câu trả lời trên lớp, quan tâm đến những học sinh có nhận thức tư duy thể hiện tính linh hoạt, sáng tạo khi giải quyết bài tập trên lớp. Trước khi ôn, cô đã kiểm tra khảo sát để biết được khả năng vận dụng kiến thức của các em từ đó lập kế hoạch cụ thể, chi tiết trong từng tuần, đề ra phương pháp trong khi ôn. Hệ thống hoá kiến thức và phân ra các dạng bài tập, các chuyên đề cơ bản cho các em. Các chuyên đề được tổ chức soạn, giảng một cách hệ thống và theo nguyên tắc, thứ tự từ cơ bản đến nâng cao, từ đơn giản đến phức tạp nhằm kích thích tính tò mò và kỹ năng vận dụng của học sinh. Cô chia sẻ thêm: “đối với quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi là quá trình lâu dài, và rất là khó khăn, tài vì thứ nhất là cái trình độ của học sinh vùng sâu, vùng xa không đều, việc tính toán của các em còn rất là chậm, tuy nhiên để bồi dưỡng đạt hiệu quả đều đầu tiên mình khích lệ tinh thần học của các em, rồi các em phải tự tìm tòi học hỏi, rồi mình sẽ truyền đạt lại những phương pháp chung ví dụ có những bài tập nâng cao cơ bàn thì mình xác định đề hoặc tóm tắt đề sau đó nắm rõ yêu cầu của đề từ đó mới xác định được dạng bài này là dạng bài kiểu nào, trên cơ sở đó vận dụng phương pháp chung để các em làm, tuy nhiên trong quá trình thực hiện mỗi một em có phương pháp khác nhau, chúng ta không bắt buộc các em phải rập khuôn theo phương pháp nào, mà các em phải có sự sáng tạo sau đó giáo viên sẽ là người chốt lại, cách làm của các em rồi những phương án nào làm sáng tạo chúng ta nêu gương học sinh đó để các em khác cung trong đội tuyển sẽ học hỏi thêm”.

Điển hình là giải pháp nâng cao chất lượng đội tuyển học sinh giỏi Hóa học 9, thực hiện từ năm học 2015-2016 đến nay, đã và đang tiếp tục nhân rộng thực hiện chuyên đề. Giải pháp này đã được áp dụng đạt hiệu quả cao trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi tại trường THCS Vĩnh Bình Nam 1 đồng thời báo cáo cho đồng nghiệp thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề tại trường, áp dụng bồi dưỡng học sinh giỏi Hóa học cho các trường THCS, Tiểu học-THCS trong phạm vi toàn huyện. Học sinh giỏi từng bước được nâng cao cả về chất lượng lẫn số lượng. Các em đã biết bộc lộ năng khiếu bộ môn đồng thời phát triển tối đa tiềm năng vốn có, khả năng tự học và tư duy sáng tạo của bản thân, biết vận dụng kiến thức biện luận và giải các bài tập nâng cao tốt hơn trong các kì thi học sinh giỏi. Học sinh cô ôn luyện còn được tuyển thẳng vào trường chuyên Huỳnh Mẫn Đạt. Điều đó dẫn đến phong trào thi đua trong trường học có khởi sắc, từ đó đã tạo niềm tin, động lực tinh thần yêu thích bộ môn Hóa học của học sinh ngày càng cao hơn. Em Phạm Châu Diễm Trinh, học sinh lớp 9/2 trường THCS Vĩnh Bình Nam 1, nói: “qua học môn hóa của cô Tâm Nguyên em thấy co dạy rất là dễ hiểu tiếp thu nhanh kiến thức mà cô dạy, cô truyền đạt những kiến thức rất là dễ hiểu, cô dạy không theo sách, theo sách có những cái không đúng với chương trình mình học, thấy tiếp thu bài nhanh hơn tại vì mấy bạn cùng nhau hợp tác vì kiến thức mình tiếp thu dễ hơn”.

Bản thân còn là người Đảng viên gương mẫu, luôn vận động mọi người chấp hành tốt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước cũng như chấp hành tốt sự phân công của cấp trên, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, luôn duy trì thành tích, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống giản dị, đoàn kết, hòa đồng với đồng nghiệp. Thầy Nguyễn Văn Bạo, phó hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Bình Nam 1, huyện Vĩnh Thuận nhận xét: “cô Tâm Nguyên cô này dạy rất là tâm huyết với nghề, cổ được bổ nhiệm làm tổ trưởng khoảng 3 năm nay, mọi công việc giao cho cổ đều hoàn thành hết, về công việc giao điểm mạnh của cổ là trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, hàng năm cô đều có học sinh đạt giải cấp tỉnh, có 1 giải nhất môn Lịch sử từ khi thành lập trường đến nay toàn tỉnh 1 giải nhất về môn Lịch sử, nổ lực phấn đấu của cô năm nào cũng có học sinh giỏi, học sinh giỏi là mục tiêu phấn đấu của nhà trường, về phía quản lý tổ về hồ sơ sổ sách tương đối nhiều cô cũng sắp xếp khoa học báo cáo đầy đủ rất là chi tiết. Đặc biệt chuyên môn hóa của cô các tiết dạy cô đem dụng cụ thực hành thí nghiệm bộ môn trực tiếp cho học sinh giúp đỡ các bước về phương pháp tổ chức nhóm cho học sinh cô chia sẻ làm mẫu trước khi thực hành thí nghiệm hướng dẫn cách cho học sinh làm vừa dạy lý thuyế vừa kết hợp thực hành ngay tại phòng bộ môn của mình, các thao tác rất kỹ, học sinh rất khắc sâu bài do sự truyền thụ, sự nhàm chán không có khi tui dự giờ tui cũng thấy đánh giá rất cao, các tiết dự giờ đều đạt loại giỏi”

Ngoài làm tốt vai trò tổ trưởng tổ Hóa-Sinh-Thể dục-Mỹ thuật cô làm tốt vai trò Trưởng ban nữ công của trường, thăm hỏi đoàn viên khi gặp khó khăn, tham mưu kịp thời với Ban giám hiệu, đoàn thể vận động được 3 học sinh bỏ học trở lại trường và có biện pháp giúp đỡ như: tặng tập, sách giáo khoa, xe đạp; tặng học bổng cho các em. Trong các năm học qua cô còn vận động các bậc phụ huynh tham gia quỹ khuyến học tặng vở, viết, quần áo,… cho học sinh nghèo, học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, tích cực phong trào,… nhằm khích lệ, tinh thần học tập của các em,chia sẻ những kinh nghiệm tích lũy được cũng như sáng kiến kinh nghiệm tại tổ.

Với đam mê, nhiệt huyết trong dạy và học, thành tích mà cô đang được là nhiều năm liền có đề tài giải pháp tác nghiệp được cấp trên công nhận, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Có thể nói, với lòng tận tâm trong sự nghiệp, luôn say mê, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối mòn trong công việc, cô thực sự đã tìm được con đường đi riêng cho bản thân, không những luôn làm mới mình mà cô còn có sức lan tỏa tới các đồng nghiệp, tới phụ huynh và tới các em học sinh. Cô xứng đáng là một giáo viên tiêu biểu trong ngành và là tấm gương sáng để các giáo viên và học sinh học tập, noi theo./

Diễm Trang