Hiệu quả hoạt động của nhóm Vti-group của nhóm giáo viên yêu công nghệ huyện Vĩnh Thuận

Lượt xem:

Đọc bài viết

Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, học sinh chưa thể đến lớp học, việc học tập và giảng dạy vẫn đang được diễn ra trên môi trường internet thông qua các ứng dụng trực tuyến. Để làm chủ được các ứng dụng trong giảng dạy, giúp thầy cô giáo truyền đạt kiến thức đến học sinh qua các thiết bị máy móc thì không hề dễ dàng. Nhằm đáp ứng yêu cầu chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau của giáo viên trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận trong dạy học trực tuyến, áp dụng các ứng dụng, giải pháp hay vào giảng dạy, nhóm giáo viên yêu công nghệ huyện Vĩnh Thuận (gọi tắt là VTi-Group) đã được ra đời.

VTi-Group được thành lập vào năm 2020 từ nhóm giáo viên tham gia Hội thi tin học trẻ tỉnh Kiên Giang do Huyện đoàn Vĩnh Thuận thành lập, với 6 thành viên. Nhóm được thành lập nên từ ý tưởng của thầy Huỳnh Hoàng Voi, giáo viên trường TH-THCS Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận. Thầy Huỳnh Hoàng Voi cho biết: “Nhóm VTi-Group được thành lập với mong muốn tạo ra môi trường để giáo viên trong huyện có cơ hội giao lưu những kinh nghiệm trong giảng dạy, chia sẻ các mô hình, giải pháp hay, đặc biệt là những ứng dụng hay trong dạy học trực tuyến. Đặc biệt, tất cả các hoạt động của VTi-group đều diễn ra trên môi trường trực tuyến, như thông báo hoạt động, thông tin hoạt động thì diễn ra trên zalo, facebook, còn sinh hoạt nhóm diễn ra trên Google Meet”. Hiện trong nhóm zalo của nhóm đã có trên 100 thành viên, đa số là thầy cô giáo viên huyện Vĩnh Thuận và các thầy cô của các huyện khác.

Thầy Voi còn cho biết, mục đích của nhóm muốn tạo ra một diễn đàn trao đổi học tập mới hoàn toàn cho giáo viên, công – viên chức – tạo ra mô hình mới giúp đỡ nhau nâng cao tay nghề; tạo điều kiện để giao lưu chia sẻ học hỏi giữa không chỉ giáo viên, công – viên chức huyện Vĩnh Thuận mà còn mở rộng ra cả tỉnh và nhiều giáo viên khác trên toàn quốc; chia sẻ những gì mình biết với nhau để giúp nhau khắc phục những khó khăn gặp phải khi thực hiện ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, đi trước 1 bước chuẩn bị kỹ năng nền tảng công nghệ thông tin để thầy cô giáo bước sang giai đoạn thực hiện chương trình phổ thông mới, một giai đoạn mà việc sản xuất, khai thác, ứng dụng học liệu điện tử, phương tiện thiết bị công nghệ số vào dạy học là không thể thiếu. Đồng thời còn chia sẻ, nhân rộng các sáng kiến trong dạy học – những sáng kiến đã được công nhận trước đây hoặc những sáng kiến mà mọi người đang thực hiện nhưng mong muốn được sự hưởng ứng, hợp tác của cộng đồng.

Kể từ khi thành lập, nhóm đã thường xuyên sinh hoạt, với nhiều chủ đề đa dạng và phong phú, đáp ứng yêu cầu của giáo viên trong huyện. Thời điểm trước dịch bệnh covid-19, nhóm chủ yếu chia sẻ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy trực tiếp trên lớp, các ứng dụng giúp nâng cao hiệu quả trong soạn giảng, trình chiếu,… Đến thời điểm năm học 2021-2022, nhóm đã nhanh chóng thích ứng với tình hình dịch bệnh covid-19, chia sẻ các nội dung về ứng dụng dạy học trực tuyến và kiểm tra, đánh giá học sinh cũng như các ứng dụng thu hút sự hứng thú của học sinh khi học tập như padlet, slido, google forms, azota,… Tổ chức chia sẻ các nội dung về trình chiếu Power Point để giúp bài giảng đẹp, phù hợp và thu hút được học sinh tham gia học. Trong năm học 2021-2022, nhóm đã tổ chức được 12 buổi sinh hoạt với nhiều thầy cô tham gia. Đặc biệt, nhóm đã phối hợp cùng Ban tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thuận tổ chức các buổi chia sẻ về sử dụng các phần mềm để tạo ra các video tham gia hội thi xây dựng video, clip với chủ đề “Tự hào quê hương Vĩnh Thuận trên đường đổi mới, phát triển”, từ đó, giúp các thầy cô các trường định hướng được nội dung và tham gia hội thi hiệu quả hơn.

Thầy Nguyễn Thanh Hà, giáo viên trường tiểu học Vĩnh Bình Bắc 4 cũng là thành viên trong nhóm chia sẻ: “Qua việc tham gia nhóm, giáo viên của huyện đã có cơ hội để cùng nhau chia sẻ nhiều nội dung về các phương pháp dạy học qua môi trường trực tuyến như các ứng dụng hỗ trợ học sinh, phương pháp kiểm tra đánh giá, phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh khi học tập qua môi trường internet; Giáo viên học hỏi lẫn nhau các kinh nghiệm hay, bổ ích trong giảng dạy để có thể áp dụng vào giảng dạy tại trường. Không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ cách ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, giúp thầy cô áp dụng các phần mềm, ứng dụng một cách hiệu quả nhất vào giảng dạy trực tuyến, mà nhóm sẽ tăng cường các hoạt động chia sẻ về phương pháp dạy học, những sáng kiến, kinh nghiệm hay của từng thầy cô đến cả nhóm. Kết nối với các cộng đồng giáo viên khác để các nội dung chia sẻ được đa dạng, phong phú hơn”.

Thầy Huỳnh Hoàng Voi cho biết thêm: “Trong thời gian tới ngoài việc thu hút nhiều thầy cô, công chức viên chức tham gia nhóm ngày càng lớn mạnh, nhóm mong muốn có những mục tiêu tiếp tục thực hiện những buổi chia sẻ dạng Webina đa dạng phong phú hấp dẫn – hiệu quả cao; lực lượng nòng cốt của nhóm sẽ sẵn sàng tham gia các hoạt động mà đảng, nhà nước, ngành giáo dục cần hỗ trợ về kỹ năng công nghệ; có thể sẽ phát hành các tài liệu phát tay, tổ chức các cuộc thi, sân chơi công nghệ cho thành viên hoặc mở rộng cho tất cả mọi người.

Có thể khẳng định rằng nhóm VTi-Group là một mô hình hay, thích ứng nhanh với tình hình dịch bệnh, đảm bảo để việc học của các em không bị gián đoạn. Đây là minh chứng cho sự ham học hỏi, luôn tích cực chủ động nâng cao trình độ chuyên môn của thầy cô giáo viên huyện Vĩnh Thuận./.

Diễm Trang

Các thầy cô giáo đang chia sẻ các hoạt động trong quá trình dạy học online trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn ra.