Chuyên mục: hỏi đáp về xã hội học tập

Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thuận trân trọng giới thiệu đến cán bộ, công chức, viên chức và hội viên Khuyến học trong và ngoài ngành Giáo dục – Đào tạo huyện nhà một số nội dung về “xây dựng xã hội học tập”. Những bài viết trong chuyên mục này được biên soạn lại từ tài liệu chuyên môn của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, để giúp bạn đọc, cán bộ, hội viên Khuyến học các cấp trong huyện tham khảo, áp dụng trong công tác Hội. Chúng tôi mong muốn đây sẽ là nhịp cầu trao đổi một số kiến thức nghiệp vụ công tác khuyến học, phục vụ công tác xây dựng xã hội học tập của huyện nhà; rất mong được sự ủng hộ của bạn đọc.

*Nguyễn Thượng Ngươn
Phó chủ tịch thường trực HKH huyện

Ảnh minh họa_ Một lớp học người lớn tai Trung tâm học tập cộng đồng

Kỳ 1: XÃ HỘI HỌC TẬP LÀ GÌ?

Nhiều năm nay, trên báo đài và các trang mạng xã hội thường xuyên xuất hiện các cụm từ: cách mạng 4.0, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, mô hình gia đình học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập… và gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 387/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030” và Quyết định 677/QĐ-TTg ngày 03/06/2022 phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình “Công dân học tập giai đoạn 2021-2030”, để từng địa phương góp phần cùng cả nước, phấn đấu trở thành một “Xã hội học tập”; vậy:

Thế nào là một xã hội học tập?

Theo tìm hiểu từ các tài liệu nghiệp vụ và tuyên truyền của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam ban hành, thì: “Xã hội học tập là một xã hội, trong đó, mọi người dân có nhu cầu học tập đều được đáp ứng và đều có nghĩa vụ học tập. Xã hội tạo cơ hội và điều kiện để công dân nào cũng được học tập. Trong xã hội học tập, ai cũng được học hành, học thường xuyên, học suốt đời, trong đó ý thức tự học, học một cách tự giác là yếu tố quyết định nhất”.

Hiện nay, những thiết chế giáo dục trong nền giáo dục quốc dân ở nước ta được xây dựng thành 2 hệ thống: Hệ thống giáo dục ban đầu gồm các trường lớp chính quy của các cấp học, bậc học: từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học dành cho thế hệ trẻ và hệ thống giáo dục tiếp tục gồm những cơ sở giáo dục chính quy và không chính quy dành cho người lớn – Những người lớn đã hoặc chưa qua giai đoạn học tập trong hệ thống giáo dục ban đầu, đều được động viên, tạo điều kiện học tập thường xuyên và học tập suốt đời để cùng cộng đồng và cả nước góp phần xây dựng thành công “xã hội học tập”.

Quan điểm chỉ đạo xây dựng xã hội học tập của Chính phủ như thế nào?

Ở nước ta, chủ trương xây dựng “xã hội học tập” được khẳng định trong Chỉ thị 11- CT/TW này 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X); Chỉ thị 02/2008/CT-TTg ngày 08/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ và được triển khai, quán triệt sâu rộng trong hệ thống chính trị cả nước. Tỉnh Kiên Giang, huyện Vĩnh Thuận cũng đã tổ chức quán triệt và thực hiện từ năm 2008 đến nay. Hiện tại đang tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 thông qua việc thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Để triển khai tốt Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 về “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012–2020”, nội dung quyết định yêu cầu những việc phải làm đến năm 2020, trong đó có nhấn mạnh 3 quan điểm cơ bản:

Một là: Mọi công dân đều phải học tập suốt đời để trở thành người lao động có nghề, có năng suất lao động cao để cải thiện cuộc sống bản thân, làm giàu cho gia đình và cho cộng đồng, đóng góp xây dựng xã hội ấm no, hạnh phúc.

Hai là: Mọi công dân, mọi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, mọi lực lượng xã hội… đều có trách nhiệm tạo cơ hội và điều kiện để ai cũng được học hành, ai cũng thực hiện được nhiệm vụ học tập suốt đời, bảo đảm mọi người đều bình đẳng xã hội và được hưởng sự công bằng xã hội về giáo dục.

Ba là: Phải xây dựng một hệ thống giáo dục để phục vụ việc học tập suốt đời của người dân, trong đó có sự gắn kết, liên thông giữa giáo dục chính quygiáo dục không chính quy, giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, giữa giáo dục thế hệ trẻ với giáo dục người lớn.

Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng “xã hội học tập” trong giai đoạn mới phù hợp với Luật Giáo dục năm 2019 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, và Kết luận số 49 của Ban Bí thư Trung ương. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 Phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, trong đó có nhấn mạnh 5 quan điểm chỉ đạo như sau:

Thứ nhất: Tiếp tục xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy với giáo dục thường xuyên, liên thông các cấp học, trình độ đào tạo; vận dụng mọi hình thức giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu giáo dục.

Thứ hai: Ứng dụng công nghệ số và dạy học trực tuyến trong tổ chức các hoạt động giảng dạy và học tập góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục và đạo tạo đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội.

Thứ ba: Mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu.

Thứ tư: Duy trì và phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ và cộng đồng; xây dựng môi trường học tập suốt đời tại nơi làm việc đáp ứng các yêu cầu về năng suất, hiệu quả, chuẩn mực đạo đức và tác phong văn hóa nghề nghiệp.

Thứ năm: Các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và dòng họ, gia đình có trách nhiệm tạo cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi để mọi người trong xã hội được tham gia học tập, nhất là các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số và miền núi, người bị thiệt thòi, yếu thế trong xã hội.

Như vậy, nhiệm vụ xây dựng “xã hội học tập” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong xã hội; mỗi cá nhân trong chúng ta, nhất là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và hội viên đều có trách nhiệm tích cực, tiên phong trong tham gia học tập, và tạo điều kiện cho mọi người cùng học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời để trở thành “Công dân học tập”, “công dân số” để góp phần xây dựng “xã hội học tập” tại địa phương và huyện nhà Vĩnh Thuận của chúng ta./.

*Nguyễn Thượng Ngươn

 

 

Kỳ tới: Tìm hiểu về Giáo dục người lớn là gì?