Đừng để nước mắt của cha, mẹ học sinh rơi thêm
Lượt xem:
BBT: Năm học mới, phần lớn cha mẹ học sinh phải lo lắng nhiều thứ, nhưng khổ nhất vẫn là các loại tiền trường. Giáo viên chủ nhiệm thì khổ sở vì luôn nhắc nhở các em học sinh phải đóng tiền cho kịp kẻo “bị cắt thi đua, bị – Chủ trường – phê lên phê xuống”. Mời các bạn xem bài viết “Gánh nặng . . . ” của tác giả Hoài Thương đăng trên báo Tuổi trẻ.
Gánh nặng . . .
07/09/2015 08:22 GMT+
TT – Người đàn bà bước vào trường cùng đứa con gái nhỏ đang khóc tức tưởi. Cô bé rị lại khi vào tới sân trường. Người mẹ ra sức lôi xềnh xệch, bé lại càng ráng sức ghìm lại gào thét.
Tiếng người đàn bà gắt gỏng vang lên làm mọi người chú ý: “Vào lớp học rồi mẹ sẽ xin với cô, tuần sau lấy được tiền công làm mẹ sẽ đóng đầy đủ”.
Dù thế, bé vẫn khóc dấm dẳng vẻ không chịu. Bước lại gần, tôi giúp chị đưa bé về lớp. Chỉ đến khi nghe tôi nói: “Cô sẽ xin cô giáo cho con vào học, tuần sau mẹ sẽ đóng tiền, không sao đâu”.
Như chỉ chờ có thế, cô bé bỗng nín khóc và chạy về phía lớp học. Người mẹ nhìn theo buông tiếng thở dài nói: “Nó về nói nếu hôm nay ai không đóng tiền trường, cô nói đừng tới lớp học nữa. Mà tiền công tôi đi làm họ hẹn phải tuần sau mới có. Tôi vừa phải vay vài triệu đồng cho hai đứa con lớn đóng ở cấp II, cấp III nên không thể vay được nữa.
Thấy nó nhỏ nên mới thư thư, ai ngờ làm dữ quá”. Nói rồi như sực nhớ ra điều gì, chị hỏi tôi: “Chỉ đóng tiền trường, không đóng tiền bảo hiểm được không cô? Tiền bảo hiểm năm nay sao cao quá?”.
Tôi phải động viên chị ráng tham gia bảo hiểm vì quyền lợi của con chứ đâu dám nói là không có điều kiện thì thôi. Chào tôi đi về, trông chị thật vội vàng tất tả, chắc chị phải bỏ dở công việc đang làm để đưa cô bé tới trường vì chị còn mặc nguyên bộ đồ làm cá bết nước, mùi tanh nồng đậm đặc cả không gian.
Giờ ra chơi, tôi gặp cô chủ nhiệm của bé hỏi chuyện. Vì là đồng nghiệp cùng trường, cô giáo chẳng giấu giếm gì: “Lớp em còn đến tám em chưa đóng tiền bảo hiểm, hôm trước em bị nhà trường nhắc nhở. Mà nói hoài phụ huynh lớp em cũng không chịu đóng. Bực quá em mới hù: Ngày mai bạn nào không đóng tiền đừng đến lớp học nữa. Nhờ vậy hôm nay đã có năm phụ huynh lên đóng đó”.
Là người trong nghề, tôi chẳng lạ vì sao cô lại làm thế. Cũng chẳng riêng gì cô ấy, tất cả giáo viên chủ nhiệm chúng tôi muốn lớp mình thu đủ các khoản tiền, trong đó chủ yếu là tiền bảo hiểm, đều phải dùng ít nhiều “thủ đoạn” dù bản thân mỗi giáo viên không hề muốn.
Một thầy giáo là người năm nào cũng được nhà trường biểu dương vì công tác thu tốt, chia sẻ bí quyết với đồng nghiệp, thầy nói: “Thường xuyên nêu tên học sinh trước lớp, viết giấy, gọi điện và nhắn tin cho phụ huynh. Có phụ huynh gọi điện không bắt máy, mình nhắn: “Con chị bị sốt trên trường, lên chở cháu về” thế là họ gọi lại liền…”.
“Học sinh lớp lớn bị nêu tên thường mắc cỡ vì quê với bạn nhưng học sinh nhỏ phải đổi chiến thuật là hăm dọa, nạt nộ theo kiểu: “Mai ba mẹ không đóng tiền, cô sẽ không cho con vào lớp học. Học sinh nhỏ tưởng cô nói thật nên về nhà khóc đòi bằng được mới thôi. Thế nào cha mẹ chúng cũng phải tới đóng” – một cô giáo khác chia sẻ.
Mọi người sẽ bất bình khi giáo viên lại phải dùng những biện pháp “hạ đẳng” như thế để đối phó với học sinh và phụ huynh. Nhưng có ai hiểu chính cũng đang phải chịu áp lực với nhà trường khi công tác thu của lớp mình không đạt.
Nhiệm vụ của giáo viên là dạy học, nhưng thực tế thì thầy cô đang phải quàng lên vai công tác “đòi nợ” hộ cho công ty bảo hiểm. Đến bao giờ giáo viên chúng tôi mới được trút bỏ nhiệm vụ vốn không phải của mình?