Hiệu quả từ mô hình “Vận động gây quỹ giúp đỡ học sinh khó khăn đến trường” của Trường TH&THCS Phong Đông
Lượt xem:
Thời gian qua, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng còn xảy ra ở nhiều địa phương, có nhiều em học sinh mặc dù học rất giỏi nhưng vì hoàn cảnh gia đình vì cuộc sống mưu sinh mà các em phải bỏ học, nhận thấy được vấn đề khó khăn đó, tại trường tiểu học và trung học cơ sở Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, Ban giám hiệu trường đã thành lập nên mô hình “vận động gây quỹ giúp đỡ học sinh khó khăn đến trường”.
Trường tiểu học và trung học cơ sở Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận là một trường vùng sâu, vùng xa thuộc xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang; trường quản lý 02 cấp học (Tiểu học và trung học cơ sở). Toàn trường hiện có 28 lớp với 720 học sinh ở cả 02 cấp học, trong đó khối tiểu học có 21 lớp với 482 học sinh, khối trung học cơ sở có 07 lớp với 238 học sinh. Phần lớn học sinh của trường là con của những gia đình xuất thân từ gia đình nông dân, có những học sinh là gia đình nghèo, gia đình khó khăn không có đất sản xuất, thậm chí có những em phải ở với ông bà nội, ngoại vì cha mẹ đi làm thuê ở xa, đa phần là học sinh khmer chiếm khoảng 40%; số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo của trường là 205 học sinh; trong đó học sinh nghèo 71 em, học sinh cận nghèo 44 em và học sinh khó khăn 90 em. Từ đó, việc huy động học sinh ra lớp cũng như duy trì sĩ số học sinh trong nhà trường gặp rất nhiều khó khăn; đa phần các em không có điều kiện mua sách, vở, đồng phục hoặc tham gia đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm toàn diện, không có phương tiện đi lại. Thầy Mai Văn Hùng, Hiệu trưởng trường tiểu học và trung học cơ sở Phong Đông: “qua 4 năm thực hiện từ năm 2016 đến nay chi bộ của trường thực hiện khá hiệu quả về mô hình dân vận khéo kết quả thực hiện vận động gần 500 bộ sách giáo khoa, 3.000 bộ quần áo đồng phục, ngoài ra các nhà tài trợ, các mạnh thường quân cũng đã tặng tập, vở và các dụng cụ cho các em học sinh, ngoài ra các thầy cô giáo cũng tích cực vận động hội cha mẹ học sinh vận động xe đạp cho học sinh để có điều kiện đến trường, cũng như mua Bảo hiểm y tế, bảo hiểm toàn diện cho học sinh, về thực hiện mô hình thầy cô giáo của trường đồng thuận rất là cao định hướng tới đây đăng ký cấp, huyện, cấp tỉnh để chúng tôi tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo”.
Từ những khó khăn nêu trên, trong những lần sinh hoạt chi bộ định kỳ có nhiều cán bộ đảng viên đề xuất với chi bộ chọn mô hình dân vận khéo với tên gọi mô hình “Vận động gây quỹ giúp đỡ học sinh khó khăn đến trường” để mỗi cán bộ, đảng viên cùng nhau vận động các nhà Hảo tâm, các Mạnh thường quân, các Nhà tài trợ và các Doanh nghiệp để chung tay hướng về học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và được tập thể cán bộ, công chức, viên chức trong nhà trường đồng tình, hưởng ứng. Mô hình đã thực hiện có hiệu quả từ năm 2016 đến nay đã giúp nhà trường thực hiện tốt việc huy động học sinh đến trường và duy trì sĩ số học sinh, góp phần nâng cao giáo dục toàn diện.
Từ khi xây dựng mô hình dân vận khéo “Vận động gây quỹ giúp đỡ học sinh khó khăn đến trường” Ban vận động đã vận động thực hiện trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị là 55 đồng chí tham gia, đến thời điểm tháng 9 năm 2019 có 71 người tham gia; trong đó cán bộ, công chức, viên chức là 55 và có 16 người là cha mẹ học sinh có điều kiện kinh tế, cũng như có uy tín vận động mọi người tham gia. Thầy Huỳnh Văn Vũ, giáo viên trường tiểu học và trung học cơ sở Phong Đông: “với vai trò là giáo viên chủ nhiệm thì trong những năm học qua học sinh của trường cũng như học sinh riêng của lớp chủ nhiệm thì đạt được nhiều hiệu quả, đặc biệt các em học sinh nghèo, vùng sâu vùng xa được sự hỗ trợ rất là nhiều của quỹ các thầy cô cũng như các mạnh thường quân các em đã vượt khó học tập, các em được xe đạp, các bộ áo đồng phục từ đó dẫn đến không còn việc giảm sĩ số học sinh của trường, bản thân thấy được cái này rất là tốt trong những năm tới thì làm cho mô hình ngày càng được phát huy hiệu quả và làm cho các em học sinh của trường phấn đấu hăng sai trong học tậ, với vai trò giáo viên chủ nhiệm trong những buổi họp cũng có đề xuất ban giám hiệu nhà trường, đây là việc làm thiết thực trong những năm tới vai trò này cần được phát huy”.
Thành lập tháng 7 năm 2016 Ban vận động mô hình dân vận khéo gồm có 12 đồng chí, sau đó Ban vận động xây dựng quy chế và kế hoạch để thực hiện. Giao cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức ít nhất trong năm phải vận động từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng bằng hiện vật hay bằng tiền mặt để chăm lo cho học sinh nghèo, cận nghèo và học sinh khó khăn. Hằng tháng mỗi cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện đóng góp mỗi người 10.000 đồng để thành lập quỹ “Vận động gây quỹ giúp đỡ học sinh khó khăn đến trường”. Đối với cán bộ, giáo viên hay cha mẹ học sinh có quen biết kêu gọi bạn bè, các Nhóm từ thiện ủng hộ, giúp đỡ học sinh nghèo nhân dịp khai giảng năm học mới hay các ngày lễ sơ, tổng kết năm học. Tham mưu cùng lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương kêu gọi các Doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp ủng hộ và tài trợ cho học sinh nghèo, thông qua các buổi giao lưu, họp mặt. Thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo các thành viên trong Ban vận động cũng như cán bộ công chức nhà trường đăng những hình ảnh học sinh khó khăn có nguy cơ bỏ học để kêu gọi các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ. Ban chấp hành Công đoàn cơ sở và Chi đoàn trường chịu trách nhiệm ghi lại những hình ảnh học sinh khó khăn của trường để đăng lên Website của trường nhằm mục đích, kêu gọi và chia sẻ của mọi người chung tay hướng về học sinh nghèo của trường. Từ đó đã nhận được nhiều tấm lòng của các mạnh thường quân ở nhiều địa phương khác nhau cùng chung tay góp sức.
Hoàn cảnh của em Nguyễn Hữu Tân học sinh lớp 8B thường xuyên được nhà trường giúp đỡ, từ đó em không còn suy nghĩ phải bỏ học: “hoàn cảnh con khó khăn ba mẹ con ly hôn mẹ con ở với ngoại may đồ mẹ con thường hay nhức đầu nên may đồ không được nhiều, hoàn cảnh con rất nghèo nhà trường cũng có động viên giúp đỡ gia đình con, học tập cũng như là về tinh thần, con xin hứa sẽ học tập thật giỏi để không phụ lòng thầy cô cha mẹ”
Với chủ đề “Vận động gây quỹ giúp đỡ học sinh khó khăn đến trường”, từ khi phát động phong trào xây dựng mô hình dân vận khéo đến nay, Ban vận động cùng với tập thể giáo viên, cha mẹ học sinh đã vận động hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường. Riêng, mỗi cán bộ, viên còn tham gia đóng góp mỗi người 10.000 đồng để thành lập quỹ “Vận động gây quỹ giúp đỡ học sinh khó khăn đến trường” tính đến tháng 9 năm 2019 là gần 6 triệu đồng.
Với kết quả đạt được, đã giúp cho nhà trường huy động học sinh đến lớp đạt và vượt chỉ tiêu và khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, những học sinh nghèo, khó khăn có điều kiện đến trường, phấn đấu vươn lên trong học tập; có những học sinh được trao xe đạp, quần áo, sách, vở, bảo hiểm của nhà tài trợ có học lực từ trung bình vươn lên khá, giỏi, thậm chí có em là thành viên đội tuyển nồng cốt của trường tham gia các cuộc thi các cấp tổ chức. Em Trần Thị Ngọc Trân, học sinh lớp 6A: “Con ở nhà với ông bà ngoại con, cha mẹ con đi làm xa tận Đồng Nai, ở nhà con giúp bà ngoại con làm việc nhà bà ngoại con đi làm vuông, nhà con có đứa em học lớp 3, con đưa em đi học, thời gian qua trường đã hỗ trợ cho các phần quà, và hội từ thiện cũng đã hỗ trợ con rất là nhiều, con hứa sẽ học thật giỏi để không phụ lòng nhà trường và các thầy cô”.
Mô hình “Vận động gây quỹ giúp đỡ học sinh khó khăn đến trường” đã được Ban vận động xã Phong Đông và Ban vận động huyện biểu dương trong Hội nghị sơ kết biểu dương phong trào thi đua “Dân vận khéo” lần thứ I, giai đoạn 2016-2018 và được các đơn vị trường bạn đánh giá khá cao, đây là một trong những mô hình có hiệu quả về công tác huy động học sinh, duy trì sĩ số học sinh và nâng cao được chất lượng giáo dục trong địa bàn xã Phong Đông. Cần được nhân rộng trong các trường trên địa bàn, để tạo điều kiện giúp đỡ cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn để tiếp bước trên con đường học vấn, thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Diễm Trang