Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/01/1941 – 28/01/2021).

Lượt xem: Lượt tải:


Thông tin Nội dung
Tên tài nguyên Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/01/1941 – 28/01/2021).
Loại tài nguyên Tài liệu - Giáo trình,
Tên tập tin
Loại tập tin
Dung lượng -1
Ngày chia sẻ 25/01/2021
Lượt xem 801
Lượt tải 6
Xem tài liệu Xem Online
Tải về

Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/01/1941 – 28/01/2021).

I. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với khát vọng về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc

Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, sống trong bối cảnh nước mất, nhà tan, người thanh niên Nguyễn Tất Thành sớm thấu hiểu tình cảnh đất nước và nỗi thống khổ của Nhân dân. Người quyết định phải tìm ra con đường mới nhằm đánh đuổi thực dân Pháp để cứu nước, cứu dân. Với lòng yêu nước nồng nàn và ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng đi Mác xây (Pháp), bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Người đã bôn ba khắp năm châu, bốn biển để tìm con đường cứu nước đáp ứng yêu cầu: cứu nước đồng thời cứu được dân. Cuối cùng, Người đã tìm được và đi theo con đường cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Sau khi tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Ngày 03/02/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam; là cống hiến to lớn và đầy sáng tạo của Người trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam.

II. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng

Trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi sát sao tình hình trong nước để tìm thời điểm thích hợp trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Đầu năm 1940, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng. Sự kiện Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức (tháng 6/1940) theo Người nhận định “là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.

Cao Bằng, mảnh đất “phên dậu” phía Đông Bắc của Tổ quốc, chính là sự lựa chọn của Người. Ngày 28/01/1941 (tức ngày mùng hai tết Tân Tỵ), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam – Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đồng bào Pác Bó – Nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt Nhân dân cả nước đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc về nước và chọn Cao Bằng là một sự tính toán kỹ lưỡng liên quan tới triển vọng của phong trào cách mạng cả nước. Với tầm nhìn chiến lược của một vị Lãnh tụ thiên tài, Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Tháng 10/1940, khi chính thức quyết định chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”[1]. Tầm nhìn của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc chọn Cao Bằng là một địa bàn có ý nghĩa chiến lược cho cách mạng giải phóng dân tộc, thấy được mối quan hệ biện chứng giữa một địa phương với toàn quốc, giữa phong trào cách mạng một vùng với phong trào cách mạng cả nước, nhận thức, đoán định được hiện tại và triển vọng tương lai.

Cũng trong thời gian này, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ đi đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 12/1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã gặp Người tại Tĩnh Tây (Trung Quốc), báo cáo với Người về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ VIII và đề nghị Người về nước theo hướng Cao Bằng. Lời đề nghị trên trùng với nhận định của Người. Trong thời gian chuẩn bị về nước, Người còn tổ chức một lớp huấn luyện chính trị cho 40 thanh niên Cao Bằng yêu nước tại Nặm Quang, Ngàm Tảy (Trung Quốc), làm hạt nhân cho việc xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương sau này.

Với nhận định đánh giá và sự lựa chọn thiên tài của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Pác Bó – Hà Quảng – Cao Bằng đã trở thành “đại bản doanh” của căn cứ Việt Bắc, trở thành “cội nguồn”, “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”. Những tư tưởng chỉ đạo cách mạng của Người được đưa vào thực tế một cách nhanh chóng và linh hoạt, từng bước đưa cách mạng cả nước tới thắng lợi mà đỉnh cao là thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

III. Những hoạt động chính của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tại Cao Bằng

  1. Triệu tập, chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8

Với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, từ ngày 10 – 19/5/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó, Hà Quảng). Tham dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Bùi San, Hồ Xuân Lưu…

Xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Đông Dương, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đã đưa ra những quyết sách quan trọng, trước hết là chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, tập trung giải quyết một cách đúng đắn, khoa học nhất mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp.

Đối với cách  mạng ở 3 nước Đông Dương: Hội nghị Trung ương 8 quyết định thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất. Ở Việt Nam thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Đối với Lào và Cam-pu-chia, Hội nghị chủ trương giúp đỡ nhân dân hai nước thành lập Ai Lao độc lập đồng minh và Cao Miên độc lập đồng minh. Về mặt chính quyền, Hội nghị cũng nêu rõ, sau khi cách mạng thành công sẽ lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hội nghị quyết định xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, coi đó là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và Nhân dân trong giai đoạn hiện tại; đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng đủ năng lực lãnh đạo công cuộc chuẩn bị và tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 có ý nghĩa to lớn trong tiến trình hoạch định đường lối và quá trình thực hiện cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang; bổ sung và hoàn chỉnh “Chính sách mới của Đảng” được nêu ra từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1939, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Sự thay đổi căn bản nhận thức về nhiệm vụ hiện thời của cách mạng Đông Dương chính là nền tảng để Đảng đặt ra những quyết sách lớn nhằm đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước trong Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng ở cả nông thôn và thành thị, xây dựng căn cứ địa cách mạng và lực lượng vũ trang, tích cực chuẩn bị lực lượng đón thời cơ khởi nghĩa.

  1. Chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh

Ngay sau khi về nước, tại Pác Bó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo công tác thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp đông đảo các tầng lớp Nhân dân vào hàng ngũ các đoàn thể cứu quốc; đồng thời kiểm nghiệm, bổ sung, hoàn thiện về chính cương, điều lệ, phương pháp tổ chức của Mặt trận Việt Minh trước khi mở rộng việc xây dựng ra cả nước. Dưới sự chỉ đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, công tác thí điểm Mặt trận Việt Minh được nhanh chóng triển khai ở ba châu: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình. Chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 2 – 4/1941, phong trào Việt Minh đã thu hút tới 2.000 người thuộc đủ các thành phần dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông…; đủ các lứa tuổi, đủ các giới tham gia các đoàn thể: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc… Trước sự lớn mạnh của các đoàn thể cứu quốc ở ba châu thí điểm, theo chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tháng 4/1941, Hội nghị cán bộ Cao Bằng tổ chức rút kinh nghiệm về tổ chức Mặt trận Việt Minh. Trên cơ sở của những kinh nghiệm này, ngày 19/5/1941, theo sáng kiến của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt Minh và sẽ làm cờ Tổ quốc khi thành lập nước.

Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời với Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ cụ thể, nêu rõ những chính sách cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, ngoại giao và các chính sách cụ thể đối với các tầng lớp Nhân dân nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: 1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; 2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”.

Thông qua Mặt trận Việt Minh, những chủ trương lãnh đạo của Đảng đã nhanh chóng đi vào phong trào quần chúng. Đảng ta đã xây dựng được một khối lực lượng chính trị quần chúng mạnh mẽ, được rèn luyện qua những phong trào cách mạng. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là kết quả của đường lối chính trị đúng đắn của Đảng với tư tưởng cách mạng khoa học, sáng tạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Mặt trận Việt Minh đã lôi cuốn, tập hợp quần chúng cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần quyết định vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

  1. Chỉ đạo công tác vận động xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng.

Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho rằng cách mạng muốn thành công phải có lực lượng cách mạng, phải đoàn kết thật rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Chính vì vậy, Người rất chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng, trong đó, có đồng bào các dân tộc. Dưới sự chỉ đạo sát sao, bền bỉ của Người và sự đấu tranh kiên trì của các chiến sĩ cách mạng kiên trung, các tổ chức quần chúng lần lượt được thành lập và phát triển mạnh mẽ. Chỉ trong 3 tháng sau khi Người về nước, đã có hàng ngàn người, thuộc đủ các dân tộc tham gia vào các tổ chức cứu quốc. Chính phong trào quần chúng phát triển mạnh mẽ đã đưa đến việc thành lập các Ủy ban Việt Minh ở các huyện thí điểm.

Trước những biến chuyển của tình hình thế giới và trong nước, vấn đề liên lạc với Trung ương ở miền xuôi càng trở nên đặc biệt quan trọng hơn. Tháng 3/1942, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo cán bộ đang hoạt động ở Cao Bằng: “Ngoài lối liên lạc thường dùng bằng giao thông bí mật, phải cấp tốc tổ chức những con đường quần chúng từ Cao Bằng đi về miền xuôi”. Thực hiện chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tháng 2/1943, tại Lũng Hoài (xã Hồng Việt, Hòa An), Hội nghị liên tịch giữa Tổng bộ Việt Minh, Liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng và đại biểu Cứu quốc quân đã bàn việc mở rộng phong trào “Nam tiến” để tạo ra con đường liên lạc từ Cao Bằng phát triển sang các hướng: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang. Sau Hội nghị, các tuyến xung phong “Nam tiến” được tổ chức và bắt đầu lên đường thực thi nhiệm vụ. Tuyến thứ nhất: Từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã (Bắc Kạn) nối với Chợ Chu, Đại Từ (Thái Nguyên); Tuyến thứ hai: Vượt qua Bảo Lạc sang Na Hang (Tuyên Quang), Bắc Mê (Hà Giang); Tuyến thứ 3: Tiến qua Thạch An xuống Tràng Định, Bình Gia (Lạng Sơn) nối liền căn cứ Bắc Sơn, Võ Nhai và thông suốt đến Hiệp Hòa (Bắc Giang). Kết quả, từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1943, tại Cao Bằng lần lượt tổ chức 19 đội xung phong Nam tiến, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng ở các tỉnh Việt Bắc, nối liền hai căn cứ cách mạng Cao Bằng và Bắc Sơn – Võ Nhai, từ đó thông xuống các tỉnh miền xuôi. Phong trào cách mạng ở Việt Bắc gắn liền với phong trào cả nước, “Sự hình thành hai khu căn cứ có những con đường quần chúng cách mạng nối liền nhau, mở ra triển vọng lớn, tạo điều kiện cho việc ra đời khu giải phóng sau này”.

  1. Chỉ đạo công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, coi công tác cán bộ là gốc của sự nghiệp cách mạng

Xác định “cán bộ là cái gốc của đoàn thể, cán bộ cũng là cái gốc của mọi phong trào”, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo, huấn luyện cán bộ. Trong thực hiện đào tạo, huấn luyện cán bộ, Người quan tâm đào tạo, huấn luyện cán bộ toàn diện về mặt tư tưởng, lý luận, kinh nghiệm thực tiễn, cán bộ kiên trung và đặc biệt nhấn mạnh tới đạo đức cách mạng. Ở Cao Bằng, Người chỉ đạo mở các lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, trình độ của Nhân dân, trong đó chú trọng tới lực lượng thanh niên và coi đây là lực lượng nòng cốt, xung kích của phong trào. Nội dung các bài giảng của Người thiết thực, bổ ích, phù hợp và hiệu quả huấn luyện cao; thực hiện huấn luyện từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ những mục tiêu đấu tranh trước mắt đến lâu dài…

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều thư, biên soạn, phiên dịch nhiều tài liệu tuyên truyền cho cách mạng và nhiều tài liệu về chính trị, quân sự để dùng vào công việc huấn luyện, đào tạo cán bộ, như: Cách đánh du kích; Lịch sử nước ta; Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Liên Xô tóm tắt… Người chỉ thị, định hướng cho cán bộ, đảng viên hoạt động ở Cao Bằng đặc biệt quan tâm đến phong trào học văn hóa, xóa nạn mù chữ; đồng thời chỉ đạo mở những lớp huấn luyện ngắn ngày về tình hình thế giới và trong nước, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Chương trình, Điều lệ Việt Minh, phương pháp công tác; chỉ đạo lựa chọn một số thanh niên ưu tú gửi đi học ở Liễu Châu (Trung Quốc). Chiến lược huấn luyện, đào tạo cán bộ của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại căn cứ địa cách mạng Cao Bằng vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa chuẩn bị cho lâu dài, cả cán bộ chính trị và cán bộ quân sự.

Đội ngũ cán bộ do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng chỉ đạo trực tiếp đào tạo và huấn luyện ở Cao Bằng đã nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt, được tôi luyện cả về thực tiễn và lý luận. Đó là cơ sở để thu hút quần chúng tham gia, góp phần quan trọng đưa phong trào cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng, tiến đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám (năm 1945). Nhiều đồng chí cán bộ đã trưởng thành từ những lớp huấn luyện của Người, sau này trở thành những cán bộ trung kiên, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam.

  1. Chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, tích cực chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền

Giữa năm 1944, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng, có lợi cho cách mạng Việt Nam. Tháng 8/1944, Trung ương Đảng kêu gọi Nhân dân “Cầm vũ khí, đuổi thù chung”. Không khí khởi nghĩa sôi sục khắp nơi. Nhân dân vùng Cao – Bắc – Lạng sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, ở thời điểm này, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới… Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay, chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”.

“Hình thức thích hợp” lúc bấy giờ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là thành lập đội quân giải phóng – đội quân chủ lực đầu tiên – Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong Chỉ thị thành lập Đội, Người khẳng định: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là chính trị trọng hơn quân sự… Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác… Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước chúng ta…”.

Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được cử hành trọng thể trong khu rừng đại ngàn thuộc núi Dền Sinh, dãy Khau Giáng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm 34 chiến sĩ với 34 khẩu súng các loại, chia làm 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy.

Chấp hành chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, chỉ sau hai ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (17 giờ chiều 25/12/1944) và liền sáng hôm sau (7 giờ sáng 26/12/1944) đột nhập và đánh đồn Nà Ngần, diệt gọn 2 đồn địch, tiêu diệt 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt – Nà Ngần đã mở đầu truyền thống đánh thắng trận đầu của Quân đội ta.

Chỉ không đầy nửa năm sau ngày thành lập, vừa chiến đấu vừa vũ trang tuyên truyền, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển lớn mạnh nhanh chóng thành Việt Nam Giải phóng quân. Sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, đội quân không ngừng phát triển, trưởng thành, trở thành Quân đội quốc gia Việt Nam và từ năm 1950 đến nay là Quân đội nhân dân Việt Nam.

  1. Chỉ đạo công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, đưa đường lối, chủ trương của Đảng đến với phong trào cách mạng

Tháng 8/1941, báo Việt Nam độc lập được xuất bản do Người trực tiếp phụ trách. Nội dung các bài viết nhằm vào việc vạch trần tội ác của bọn đế quốc và tay sai đối với Nhân dân ta, kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng đứng lên lật đổ ách thống trị của đế quốc thực dân, phong kiến giành lại tự do độc lập cho nước nhà.

Đây là tờ báo có tuổi thọ cao nhất trước Cách mạng tháng Tám và là tờ báo cách mạng duy nhất xuất bản được 126 số trong điều kiện bí mật, được bảo đảm an toàn ở một tỉnh. Ảnh hưởng của Báo Việt Nam độc lập không chỉ giới hạn trong tỉnh Cao Bằng, mà lan rộng sang các tỉnh xung quanh (Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), do đó đã dẫn đến sự ra đời của các Hội Cứu quốc và các đoàn thể Việt Minh, tạo nên phong trào cách mạng sôi động và rộng khắp trong cả nước. Báo Việt Nam độc lập thực sự trở thành một vũ khí sắc bén của Mặt trận Việt Minh trong cuộc vận động cách mạng, giải phóng dân tộc.

Ngoài tờ báo, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc biên soạn nhiều sách, phần nhiều theo thể văn vần như: “Con đường giải phóng”, “Mười điều Việt Minh”, “Lịch sử nước ta”, “Địa dư Cao Bằng”, “Việt Minh ngũ tự kinh”… để hướng dẫn phong trào. Người còn sáng tác khoảng 30 bài thơ, trong đó có 20 bài thơ tuyên truyền, vận động cách mạng cho các đối tượng khác nhau: thanh niên, phụ nữ, nông dân, phụ lão, thiếu niên, binh lính… nhằm mục đích giáo dục quần chúng về tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của dân tộc.

  1. Chỉ đạo xây dựng và kiện toàn hệ thống cơ sở Đảng

Vấn đề xây dựng tổ chức cơ sở Đảng là vấn đề cốt lõi của toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, tới Cao Bằng, khi Đảng ta đang trong thời kỳ khó khăn nhất về tổ chức: Trong năm 1940, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và nhiều đồng chí trong Trung ương bị địch bắt. Tình thế lúc đó buộc Đảng ta phải thành lập Ban Trung ương lâm thời tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 ở Đình Bảng, Bắc Ninh. Khi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, Người đã chú trọng việc kiện toàn lại Ban lãnh đạo Trung ương lâm thời nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng. Do đó, ngay sau khi về nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hết sức quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức của Đảng để lãnh đạo cách mạng nhằm đáp ứng những yêu cầu của tình hình cách mạng và chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới. Một trong những nội dung quan trọng và nổi bật của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5/1941) là đã kiện toàn cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức, Ban Thường vụ Trung ương, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương; trên cơ sở đó kiện toàn các cấp bộ Đảng từ Xứ ủy đến các cấp bộ Đảng ở các địa phương. Đó là nhân tố lãnh đạo quyết định thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám 1945.

  1. Chỉ đạo xây dựng quan hệ quốc tế

Từ Pác Bó – Cao Bằng, nhiều lần Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sang Trung Quốc bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam và Đồng minh. Trong chuyến đi Trung Quốc tháng 8/1942, Người lấy tên mới là Hồ Chí Minh, khi đến Túc Vinh, huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây, Ngư­ời đã bị chính quyền Tư­ởng Giới Thạch bắt giữ và áp giải đi hơn 30 nhà lao, sau hơn một năm giam cầm mà không khai thác được gì, cuối cùng chúng buộc phải trả tự do cho Ngư­ời.

Tháng 02/1945, Ng­ười lại từ Pác Bó đi Côn Minh[2] (Trung Quốc) để tham dự Hội nghị Đồng minh chống phát xít, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp liên lạc với quân đội Đồng minh bàn về việc phối hợp chiến đấu chống phát xít; nhằm mục đích chủ động đặt quan hệ với Mỹ, tranh thủ sự giúp đỡ vật chất từ phía Mỹ và hạn chế sự phá hoại của Quốc dân Đảng Trung Hoa đang tích cực chuẩn bị cho kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” sau chiến tranh.

Tháng 5/1945, Lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định di chuyển đại bản doanh lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) để thuận tiện cho việc lãnh đạo phong trào chung của toàn quốc. Tại Tân Trào (Tuyên Quang), Người chỉ thị thành lập Khu giải phóng Việt Bắc, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Từ Quốc dân Đại hội, Lãnh tụ Hồ Chí Minh kêu gọi Tổng khởi nghĩa. Theo lời kêu gọi của Người, toàn dân ta đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

  1. Ý nghĩa sự kiện Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Từ mùa xuân năm 1941, sau 30 năm hoạt động ở ngước ngoài, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, kết thúc chặng đường dài sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, hoạt động sôi nổi, đầy khó khăn, hiểm nguy của Người ở nước ngoài, đồng thời mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ chuẩn bị về mọi mặt, tiến tới phát động cao trào Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc vào mùa xuân năm 1941 đã đáp ứng đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước và sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam. Người đã cùng Trung ương Đảng hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam và phát triển đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, tập hợp lực lượng cùng toàn Đảng, toàn dân hướng vào mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc và chính quyền về tay Nhân dân; thúc đẩy toàn bộ tiến trình của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, góp phần lan tỏa, lan rộng các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ cho tới Nam Kỳ; cùng với đó là việc củng cố tổ chức, hệ thống Đảng từ Trung ương đến địa phương, tập hợp các lực lượng tham gia vào phong trào đấu tranh cách mạng.

Đối với quốc tế, quyết định của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi trở nước cũng là cơ sở quan trọng sau này để Việt Nam củng cố các mối quan hệ với các nước Đồng minh chống lại chủ nghĩa phát xít; cũng như tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nước ta giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và Cách mạng tháng Tám 1945.

Sự kiện Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho thấy tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài, không chỉ tạo ra bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là bài học về xây dựng căn cứ địa cách mạng; bài học về dự báo và nhận định, đánh giá đúng tình hình, xu thế vận động của cách mạng từ đó kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sách lược cách mạng phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra; bài học về  xác định “thời cơ” và chớp thời cơ cách mạng; bài học về xây dựng thế trận lòng dân, tuyệt đối trung thành, ủng hộ, bảo vệ Đảng và cách mạng thành công; bài học về xác định nhiệm vụ cách mạng; bài học về tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi (Mặt trận Việt Minh); bài học về công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước sự thay đổi của tình hình. Những bài học này có giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mãi mai sau.

  1. Tình cảm đặc biệt của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cao Bằng vinh dự được đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh sau 30 năm Người bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, được Người chọn làm căn cứ địa cách mạng đầu tiên, cho đến khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và tiếp tục mở đường đi tới những thắng lợi huy hoàng cho cách mạng Việt Nam. Nơi đây cũng là nơi hiện thực hóa những tư tưởng chiến lược về cách mạng giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tròn 20 năm sau khi về nước lãnh đạo toàn dân làm cách mạng, mùa xuân năm Tân Sửu 1961, Bác Hồ trở lại thăm Cao Bằng. Bác về Cao Bằng như trở về quê hương. Đồng bào và cán bộ, chiến sỹ ở Cao Bằng đón Bác – người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước như đón một người thân lâu ngày về thăm quê hương. Bác xúc động nói: “Tôi về thăm nhà, làm sao lại phải đón tôi!”. Đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng không nguôi nhớ Người và Người không quên một ai từng sống và làm việc với Người. Như đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Cuộc đời của Bác gắn bó mật thiết với đất nước Việt Nam, với đồng bào Việt Nam, đặc biệt, với đồng bào Cao Bằng, với núi rừng Cao Bằng, nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên sau bao nhiêu năm xa Tổ quốc. Đó là vinh dự, là niềm tự hào của Cao Bằng”.

Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Cao Bằng rất vinh dự, tự hào được đóng góp sức mình vào công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. Cách mạng đã mang lại cho Pác Bó – Cao Bằng tầm vóc lịch sử lớn lao: Là căn cứ địa đầu tiên, “đại bản doanh” của cả nước, là “cội nguồn cách mạng”,“chiếc nôi của cách mạng Việt Nam” và là quê hương thứ hai của Bác Hồ. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn động lực tinh thần to lớn, trở thành nguồn lực nội sinh, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp Nhân dân, đoàn kết xây dựng Cao Bằng là bức “phên giậu” vững chắc nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc; xứng đáng với niềm tin mà Bác đã giành cho Cao Bằng: “…Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc…” .

Với tấm lòng biết ơn vô hạn, Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn luôn trân trọng, giữ gìn những dấu tích quí giá của Bác Hồ đã để lại trên quê hương mình. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm thành phố Cao Bằng; Khu di tích lịch sử Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; Nhà tưởng niệm – Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó. Đây là những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng để các thế hệ, nối tiếp thế hệ luôn nhìn thấy Bác gần gũi, ghi nhớ công ơn của Bác, nâng cao niềm tự hào và trách nhiệm của Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội.

Với nhiều thành tích xuất sắc trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. Toàn tỉnh có 415 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 7 huyện, thành phố, 23 xã, 20 đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang, 05 đơn vị Anh hùng Lao động và 27 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động. Những thành tựu quan trọng và toàn diện đã đạt được về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh của Cao Bằng trong 80 năm qua đã và đang thắp sáng thêm truyền thống tốt đẹp của mảnh đất nơi cội nguồn cách mạng. Đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước, tiếp thêm niềm tin, động lực và là nền tảng tinh thần vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Cao Bằng tiếp tục vững bước đi lên trên con đường đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX đề ra.

*

*      *

Kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ trở về nước (28/01/1941 – 28/01/2021) vào thời điểm đang diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; từ đó khẳng định ý nghĩa, giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Qua đó nhằm giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử, thể hiện lòng tự hào, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước; thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG – TỈNH UỶ CAO BẰNG

[1] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, tr.37.

[2] Côn Minh: một căn cứ chính của các nước đồng minh Mỹ trên đất Trung Quốc, nơi đặt trụ sở của Không đoàn thứ 14 (Mỹ) dưới sự chỉ huy của tướng Sênôn (Chennault), Cơ quan phục vụ chiến lược và cơ quan cứu trợ không quân.