Thầy Nguyễn Văn Sáu người thầy tận tụy, người trụ cột của gia đình
Lượt xem:
Xuất thân trong một gia đình nông dân không mấy khá giả, vừa cần cù, chịu khó làm nông, thầy Nguyễn Văn Sáu vừa nỗ lực qua việc học, sau đó trở thành một giáo viên dạy bộ môn thể dục tại trường Tiểu học Tân Thuận 2, xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận. Nhìn vẻ bề ngoài điềm đạm, ít nói nhưng khi được làm những việc yêu thích, thầy luôn nhiệt huyết, tìm tòi cách dạy và học hiệu quả nhất.
Nhiều người cho rằng những môn dạy kỹ năng như thể dục thì không cần nhiều phương pháp, tiết học chủ yếu ngoại khóa, mang tính vận động nhiều hơn nhưng thực chất thể dục góp phần phát triển toàn diện, cân đối của cơ thể, đồng thời rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong khỏe mạnh, khẩn trương, tinh thần dũng cảm, khắc phục khó khăn. Cách thức dạy như thế nào để học sinh hứng thú học lại phụ thuộc vào người giáo viên. Thầy Sáu chia sẻ: “Qua môn thể dục tôi đảm nhiệm nay mười mấy năm, từ năm 2002 tới giờ, đối với mông Thể dục bản thân trước hết phải rèn luyện sức khỏe để truyền đạt cho học sinh, hướng dẫn cho học sinh tập động tác, tập thể dục để cho học sinh có sức khỏe, học sinh qua tiết dạy thì mình rèn cho học sinh về nhà tập luyện thường xuyên, tập những động tác ở nhà trường về nhà mình cũng tập thể dục vào buổi sáng rồi vận động để rèn luyện sức khỏe tốt cho các em để học, đối với công việc dạy xong ở trường về nhà cũng lo làm kinh tế mần rẩy thêm thôi”.
Sau thời gian giảng dạy trên lớp, trở về với công việc gia đình, thầy Nguyễn Văn Sáu là người trụ cột vững chắc, không để vợ con mình thiếu hụt về kinh tế. Vợ chồng thầy trồng thêm nhiều loại rau màu, cây ăn trái khác để nâng cao thu nhập. Hiện nay, với 12 công trồng lúa, kết hợp trồng các loại rau, cây ăn trái, thu nhập của gia đình đạt khoảng 200 triệu đồng mỗi năm, xây dựng lại nhà cửa khang trang và lo cho các con đầy đủ. Thầy Phạm Văn Hữu, Chủ tịch Công đoàn trường tiểu học Tân Thuận 2 nói: “Về công tác đồng chí luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phong trào của công đoàn đồng chí Sáu tham gia tốt, đối với bạn bè đồng nghiệp đồng chí Sáu luôn hòa đồng, vui vẻ hòa đồng giúp đỡ bạn bè khi khó khăn”
Theo hướng phát triển của địa phương 2 vụ lúa – 1 vụ màu, thầy mạnh dạn trồng dưa hấu, dưa hoàng kim. Tuy nhiên thời tiết không thuận lợi, thu nhập bấp bênh, thầy quyết định tìm hướng đi mới. Chuyển đổi từ nhiều vụ cây trồng khác nhau không hiệu quả, được cha mẹ kêu thử trồng cây bồ ngót. Vợ chồng thầy Sáu xin cây giống về trồng thử. Nhận thấy bồ ngót không tốn chi phí đầu tư, thời gian thu hoạch liên tục, lợi nhuận cao nên thầy quyết định mở rộng diện tích, tự gây giống từ nhỏ lẻ lên 2 công và đến nay là 3 công bồ ngót. Có đầu mối sẵn có tại địa phương và ở Cà Mau, với giá dao động từ 7 đến 9 ngàn đồng một ký. Thời điểm cận tết bồ ngót rất được giá. Hiện gia đình được 80 giồng rau, mỗi giồng hơn 40kg. Thu nhập đều đặn dao động từ 8 đến hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Không chỉ cần cù, chịu khó làm kinh tế, hết lòng giảng dạy học sinh, người giáo viên – nông dân này còn tích cực đóng góp vào các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
Thầy Nguyễn Văn Sáu, cái tên không xa lạ gì với bà con nơi đây, một người thầy tận tâm và là một người trụ cột gương mẫu cho gia đình, không khuất phục trước khó khăn, biết cân bằng mức sống, đặc biệt biết phát huy khả năng vốn có của bản thân để mỗi ngày trôi qua đều là những ngày có ích./.
Diễm Trang