Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 – 2025”

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ngày 3/10/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1299/QĐ – TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 – 2025”. Theo đó, 100% trường học phải xây dựng bộ Quy tắc Văn hóa ứng xử.

Mục tiêu của Đề án là tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Đề án được  thực hiện trong 2 giai đoạn.

Giai đoạn 2018 – 2020 với những mục tiêu cụ thể: 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định quy tắc ứng xử do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường; Hằng năm có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; có ít nhất 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường.

Giai đoạn 2021 – 2025: 100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Có ít nhất 95% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt về tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học. Có ít nhất 95% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường.

Về xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học: Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định quy tắc ứng xử trong trường học; trên cơ sở đó các cơ sở giáo dục xây dựng, thực hiện bộ quy tắc ứng xử với sự tham gia và cam kết của các bên liên quan (cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh…). Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử của các chủ thể trong nhà trường thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử. Bộ Quy tắc ứng xử phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với lứa tuổi, các cấp học và văn hóa đặc trưng của các vùng miền (mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, đại học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên). Người đứng đầu nhà trường có trách nhiệm quán triệt đến toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và người học biết và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử. Bộ Quy tắc ứng xử phải được niêm yết tại các bảng tin, bảng thông báo, website nhà trường, trong phòng học, phòng làm việc và những nơi cần thiết khác của nhà trường; gửi tới từng thành viên nhà trường qua hệ thống email, hệ thống liên lạc điện tử. Cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Đoàn, Hội, Đội, Công đoàn nhà trường thường xuyên phổ biến, quán triệt nội dung Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học trong các tiết học chính khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh… Phát huy tính gương mẫu của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong xây dựng văn hóa ứng xử; chú trọng xây dựng nhân cách người thầy. Đẩy mạnh giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên; tạo nền tảng về nhận thức và hành động để xây dựng môi trường văn hóa và ứng xử văn hóa trong trường học.

Về nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học: Bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; thể hiện được giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo, vùng miền. Giáo dục nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao phẩm chất, năng lực ứng xử cho nhà giáo, người học.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non: Bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non, trong các chuyên đề lễ giáo, hoạt động giáo dục… để hình thành và phát triển ở trẻ em ý thức, hành vi ứng xử phù hợp với độ tuổi (lễ phép, kính trọng, yêu thương thầy, cô giáo, ông bà, cha mẹ; yêu quý anh, chị, em, bạn bè, thật thà, mạnh dạn, hồn nhiên, yêu cái đẹp).

Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên: Bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động giáo dục, trong chương trình giáo dục phổ thông, lựa chọn các nội dung giáo dục văn hóa ứng xử, lối sống văn hóa có giá trị và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm của học sinh; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm để hình thành các phẩm chất nhân ái, tự trọng bản thân, tôn trọng, trách nhiệm với bạn bè, chia sẻ, bao dung của người học. Xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể trong thực hiện nếp sống, thói quen văn minh, lịch sự đối với các chủ thể trong trường học, như: văn hóa xếp hàng nơi công cộng, triển khai nguyên tắc tự giáo dục (tự phục vụ) trong các hoạt động liên quan (thư viện, căng tin, trực nhật…).

Đặc biệt, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử. Theo đó, nhà trường chịu trách nhiệm xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng chống bạo lực học đường hiệu quả.

Đối với nhà trường:  Chịu trách nhiệm xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng chống bạo lực học đường hiệu quả. Xây dựng kế hoạch và tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử cho người học thông qua các môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa; nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực tổ chức giáo dục ứng xử văn hóa của cán bộ, nhà giáo, nhân viên nhà trường. Rà soát, hoàn thiện, ban hành và triển khai bộ quy tắc ứng xử theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của địa phương; các chuẩn mực văn hóa, hệ giá trị cốt lõi để sử dụng tại nhà trường. Tổ chức trao đổi về xây dựng văn hóa ứng xử trong các cuộc họp, sinh hoạt tập thể; gặp gỡ với gia đình người học để phối hợp, thông tin, xử lý trong quá trình tổ chức giáo dục, đào tạo. Chủ động đề xuất, phối hợp với các đơn vị, tổ chức trên địa bàn để tuyên truyền, xây dựng môi trường văn hóa, phối hợp tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên trong và ngoài trường học; biểu dương kịp thời cá nhân, tập thể có thành tích; nhân rộng điển hình nói lời hay, cử chỉ đẹp. Xây dựng và phát huy hiệu quả trang thông tin điện tử của nhà trường, các hình thức phản ánh, trao đổi, thu thập, xử lý thông tin từ người học, cán bộ, nhà giáo, nhân viên nhà trường, gia đình người học, các cá nhân có liên quan khác về văn hóa ứng xử trong trường học và trên môi trường mạng; góp phần thực hiện dân chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thiết lập cơ chế tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời, đạt hiệu quả giáo dục đối với các hành vi bạo lực học đường, vi phạm quy tắc ứng xử cần xử lý.  Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên, giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập trong việc tổ chức các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, văn hóa ứng xử trong nhà trường. Tổ chức xử lý các cá nhân có hành vi vi phạm bộ quy tắc ứng xử, công bố công khai kết quả xử lý các vụ việc liên quan. Phát huy sự chủ động, sáng tạo của thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên trong việc tham gia bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ vệ sinh các công trình công cộng, nhà trường, lớp học và cá nhân. Tổ chức học sinh, sinh viên trồng cây xanh trong khuôn viên nhà trường, tại địa phương trong dịp Tết trồng cây.

Đối với gia đình: Có trách nhiệm chính giáo dục văn hóa ứng xử, mẫu mực trong văn hóa ứng xử tại gia đình và cộng đồng. Phối hợp với nhà trường cập nhật, trao đổi thông tin, tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; tham gia tích cực trong các buổi họp, gặp gỡ trao đổi, xử lí các tình huống có liên quan. Tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nêu gương cho người học trong ứng xử văn hóa. Tôn trọng và tạo điều kiện để học sinh tham gia đầy đủ, hiệu quả, nghiêm túc kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường, nhất là các hoạt động liên quan đến xây dựng văn hóa ứng xử. Có hình thức phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc tham gia xây dựng và bảo vệ cảnh quan môi trường. Phối hợp với nhà trường xây dựng và thực hiện các nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong gia đình cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trong từng năm học.

Đối với chính quyền địa phương:  Xác định nhiệm vụ xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học là nội dung quan trọng của công tác xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương; chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học theo thẩm quyền. Có trách nhiệm chính trong tuyên truyền, vận động, phối hợp các lực lượng trên địa bàn, tạo điều kiện để xây dựng văn hóa ứng xử cho người học tại cộng đồng; hỗ trợ người học gặp khó khăn, xử lí kịp thời các vi phạm, đảm bảo an toàn cho người học. Đưa nội dung xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trên địa bàn thành một trong các nội dung công tác của đơn vị và được tổng kết, đánh giá hằng năm. Huy động và sử dụng các thiết chế văn hóa tại địa phương, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa ngoài nhà trường. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa ứng xử trong các nhà trường; có hình thức động viên khen thưởng các trường học làm tốt; xử lý đối với các đơn vị để xảy ra các vấn đề về bạo lực học đường, ứng xử thiếu văn hóa. Phối hợp với chính quyền và các tổ chức, đoàn thể ở địa phương trong công tác tổ chức xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường.

Tải Văn bản