Trường tiểu học Tân Thuận 2 vận động hũ gạo tình thương giúp học sinh nghèo
Lượt xem:
Xuất phát từ tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Trong những năm qua, chi bộ Trường Tiểu học Tân Thuận 2, huyện Vĩnh Thuận không chỉ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học mà chi bộ còn không ngừng nỗ lực, phấn đấu, thực hiện sáng tạo, có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với những việc làm cụ thể, thiết thực nghiêm túc bằng việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với 2 mô hình “Mô hũ gạo tình thương” và “Mô hình gây quỹ học sinh nghèo” để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo, những mảnh đời bất hạnh khó khăn trong toàn huyện Vĩnh Thuận. Góp phần tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho nhiều học sinh nghèo có cơ hội tiếp tục đến trường.
Mô hình “Hũ gạo tình thương” thành lập năm 2013, mô hình nhanh chóng được triển khai sâu rộng tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường. Với mục đích giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa và trợ giúp những gia đình có việc đột xuất cần có sự giúp đỡ trên địa bàn. Trong những năm vừa qua, mô hình “Hũ gạo tình thương” đã trở thành một mô hình thân thuộc đối với giáo viên của trường. Đó như là một sợi dây thắt chặt tình người gần nhau hơn. Những ký gạo phần quà nhỏ bé khi được trao đến tay các em đã mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần động viên những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thêm nghị lực vượt qua những gian khó, vươn lên trong học tập. Qua thực hiện giai đoạn 2013-2015, nhà trường đã vận động số tiền trên 10 triệu đồng, để giúp đỡ các em học sinh và các gia đình khó khăn trên địa bàn.
Hoàn cảnh của em Trần Ngọc Hoàng Yến là một trong những địa chỉ mà “Hũ gạo tình thương” thường xuyên giúp đỡ, hiện tại em sống cùng ông bà nội, được sự quan tâm của nhà trường đã tạo điều kiện giúp đỡ cho em nhiều trong học tập, bản thân em cảm thấy ấm lòng hơn vì có sự chia sẻ khó khăn của cả cộng đồng, em Trần Ngọc Hoàng Yến, học sinh lớp 5 trường tiểu học Tân Thuận 2 “hoàn cảnh gia đình con khó khăn, con sống cùng với ông bà nội, trong những năm qua nhà trường đã tạo điều kiện cho con vượt qua khó khăn cho nên vì vậy con rất biết ơn nhà trường con sẽ cố gắng học tập thật tốt đề bồi đắp lại công ơn của thầy cô”.
Để thực hiện tốt mô hình này, ngay từ khi mới thực hiện, nhà trường đã đề ra quy chế hoạt động, trong đó thể hiện rõ đối tượng vận động là cán bộ, công viên chức trong đơn vị, mức ủng hộ mỗi tháng đối với đảng viên là 15.000 đồng/đồng chí và 5.000 đồng/ quần chúng, có 40 cán bộ nhân viên của trường tham gia. Qua quá trình vận động đã được toàn thể đảng viên và quần chúng trong đơn vị nhiệt tình ủng hộ. Số tiền này được ủng hộ vào kì lương hàng tháng. Sau đó định kì trong các cuộc họp các cán bộ công chức chọn địa chỉ để tập thể xét, thống nhất trao quà mỗi xuất gồm 20kg gạo và 200.000 đồng. Đối tượng là những hộ nghèo, những hộ có hoàn cảnh khó khăn, những gia đình người già neo đơn gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống… trong địa bàn huyện Vĩnh Thuận. Qua hơn 2 năm thực hiệm mô hình giai đoạn 2 từ năm 2016-2018, Chi bộ vận động được hơn 13 triệu đồng, ủng hộ cho 28 hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể năm 2016 vận động được 5.120.000 đồng, ủng hộ cho 12 gia đình. Trong đó số gia đình trong địa bàn xã Tân Thuận là 9, xã Vĩnh Phong 2, thị trấn Vĩnh Thuận 1 có 1 gia đình là giáo viên của trường. Năm 2017 vận động được 4.800.000 đồng, ủng hộ được 12 gia đình. Trong đó số gia đình trong địa bàn xã Tân Thuận là 6, thị trấn Vĩnh Thuận 3, xã Bình Minh 3. Riêng 6 tháng đầu năm 2018 chi bộ của trường đã vận động 3.000.000 đồng, ủng hộ cho 5 hộ ga đình. Trong đó 4 hộ gia đình trong địa bàn xã Tân Thuận, 1 hộ xã Vĩnh Phong. Số tiền trên không phải là lớn, mỗi xuất quà ủng hộ cho gia đình nghèo tuy không nhiều nhưng đó là tất cả tấm lòng của tập thể nói chung và mỗi cán bộ, công viên chức trường tiểu học Tân Thuận 2 nói riêng. Qua mỗi lần trao quà cho những hộ gia đình nghèo, nhà trường đã góp phần chia sẻ bớt những khó khăn trong cuộc sống, từ đó cũng tạo được niềm vui, niềm lạc quan thêm tin yêu vào cuộc sống của họ. Cô Quách thị Thu Hiền, giáo viên trường tiểu học Tân Thuận 2, huyện Vĩnh Thuận “tôi nhận thấy mô hình hũ gạo tình thương này rất có ý nghĩa cần phải nhân rộng hơn ở tất cả các trường khác, không những mô hình khởi gợi lòng yêu thương giữa con người với con người, mà còn mặc dù hoạt động rất là nhỏ, mình chỉ tiết kiệm rất là nhỏ mà là sự đóng góp cho gia đình khó khăn đó là cái điều rất lớn đối với họ. Theo bản thân tôi thì mình nên nâng thêm một số khoảng tiền như là thống nhất sẽ nâng mức cao hơn, bởi vì khoảng tiền đó 5 ngàn, 10 ngàn chỉ có là ly cà phê thôi đủ rồi, nhưng mình có thể tiết kiệm thêm khoản chi phí nhỏ đối với mình thôi, đối với họ những nhà nghèo hơn đó là một điều rất to lớn đối với họ”.
Do học sinh của nhà trường thuộc diện gia đình hộ nghèo, cận nghèo chiếm 20% tổng số học sinh toàn trường và việc cấp sách đến trường của các em gặp nhiều khó khăn. Xác định được những khó khăn trên, Chi bộ và Ban giám hiệu nhà trường đã đề ra những giải pháp để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường. Hàng năm, Chi bộ chỉ đạo cho BGH xin ý kiến Ban đại diện cha mẹ học sinh triển khai mô hình gây quỹ giúp học sinh nghèo. Cụ thể như tổ chức gây quỹ “nuôi heo đất” trong học sinh ngay từ đầu năm học; vận động phụ huynh có điều kiện kinh tế giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường… Và vào dịp Tết Nguyên đán, nhà trường tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ học sinh nghèo để hỗ trợ các em học sinh nghèo ăn tết và hỗ trợ chi phí học tập cho các em, đó là mô hình “Gây quỹ học sinh nghèo”. Qua hơn 2 năm thực hiện, Chi bộ nhà trường đã vận động được hơn 60 triệu đồng và hàng trăm phần quà hỗ trợ cho 150 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường học tập. Tuy chưa đáp ứng hết nhu cầu học tập của các em, nhưng cũng đã động viên, khích lệ tinh thần học tập của các em, giúp các em vững tin hơn và quyết tâm vượt khó đến trường. Qua đó, cũng góp phần giúp nhà trường duy trì sĩ số học sinh. Trần Văn Hiệp, Trưởng Ban vận động mô hình hũ gạo tình thương, phó Bí thư chi bộ, phó Hiệu trưởng trường tiểu học Tân Thuận 2, huyện Vĩnh Thuận “thực hiện cuộc vận động dân vận khéo do Ban vận động Đảng ủy xã Tân Thuận thì chi bộ cũng đã vận động dân vận khéo trong đơn vị trường học thì chi bộ cũng đã thành lập và phát động trong ban thành lập của trường, ban vận động phát động trong công nhân viên chức và quần chúng, đối với công nhân viên chức mức vận động mỗi người là 15.000 đồng, còn đối với quần chúng 5.000 đồng để thực hiện mô hình gây quỹ hũ gạo tình thương, qua cuộc vận động này chi bộ cũng như các đảng viên, quần chúng đã thấm nhuần ủng hộ nhiệt tình.Qua vận động mỗi tháng nhà trường cũng chọn ra địa chỉ để trao cho những hoàn cảnh gia đình khó khăn, những người dân, học sinh nói chung tất cả những hoàn cảnh khó khăn trong đơn vị huyện Vĩnh Thuận mình, mỗi tháng một suất, qua kết thúc giai đoạn 2016-2018 chi bộ cũng nhận thấy mức đóng góp vận động còn hơi ít vừa qua cuộc họp chi bộ cũng như ban vận động cũng đã lấy ý kiến của anh em và cũng đã thống nhất mức vận động cho mỗi đảng viên là 30.000 đồng/tháng, và quần chúng 20.000 đồng/tháng qua vận động cũng được sự đồng tình cao của quần chúng và đảng viên trong chi bộ, sắp tới chi bộ cũng triển khai và thực hiện mức vận động này để mình có mức vận động cao để làm món quà kha khá so với giá cả thị trường hiện nay, theo tôi mô hình này mang ý nghĩa rất là nhân văn thì mình cũng nên vận động và nhân rộng càng nhiều càng tốt, đó là việc làm nghĩa cử rất là tốt đẹp.”.
Tiết kiệm một ít để góp vào “Hũ gạo tình thương” và gây quỹ học sinh nghèo việc làm tuy nhỏ nhưng lại mang một ý nghĩa lớn lao, nghĩa cử cao đẹp này không những thể hiện sự học tập và làm theo lời Bác dạy, thực hành tiết kiệm giúp nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống mà còn góp phần thêm truyền thống đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. Những việc làm của tập thể cán bộ, giáo viên trường tiểu học Tân Thuận 2, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đó còn là biểu tượng của đạo lý, nghĩa tình, của tinh thần nhường cơm sẻ áo cần nhân rộng trong thời gian tới.
Diễm Trang
Đài Truyền thanh huyện Vĩnh Thuận
Các giáo viên trường đang họp lệ hàng tháng (ảnh-Lê Hiệp)