Những ký ức khó quên (Phần 2)

Lượt xem:

Đọc bài viết

Phần 2. Tháng Chạp và những ngày mùa

Tôi lớn lên cùng với làng quê, ruộng đồng phèn mặn, một miền quê có cái tên rất yên bình: Vĩnh Thuận. Dù có đi đâu, ở đâu trong tâm thức tôi vẫn luôn hướng về nơi mình sinh ra, lớn lên, và cả một thời tuổi thơ đầy kỷ niệm. Trong cuộc sống vất vả, khốn khó đầy nắng gió với hạt lúa, củ khoai. Cả thời niên thiếu của tôi gắn chặt với quê hương, ruộng vườn, và những kỷ niệm một thời đến nay vẫn còn đọng lại trong những giấc mơ và những dòng suy tưởng: có buồn vui lẫn lộn….

     Thuở ấy, cứ độ tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), tiết trời se lạnh, có năm trời rất lạnh, không gian sương mù dầy đặc ướt đẫm cỏ cây, có lúc đã 6, 7 giờ sáng nhưng hai người đứng cách xa chừng mười mét đã không nhìn rõ mặt nhau, anh em tôi và lũ bạn cùng xóm Kinh 14 vẫn nôn nao, rạo rực chờ Tết đến – cái Tết cổ truyền nơi thôn quê không rực rỡ, sa hoa như phố thị nhưng cũng tưng bừng, vui nhộn và ấm áp tình người; giờ thì có mấy ai hiểu và yêu hết ngần ấy cái hương vị mộc mạc của những ngày mùa thơm mùi rạ mới và những cái Tết năm xưa… 

     Giữa tháng Chạp, mọi nhà đều tất bật chuẩn bị cho cái Tết, lúa ngoài đồng có nơi đã chín vàng nửa bông. Nhưng trong nhà nhiều gia đình đã không còn gạo nấu, nhất là những gia đình ít ruộng, con đông. Thời gian này những người lớn tuổi gọi là “những ngày giáp hạt”. Do thuở ấy vùng quê tôi chỉ làm lúa mùa mỗi năm một vụ, nên có năm hạn sớm mất mùa, thì những gia đình nghèo, con đông rất khổ, vì thế tôi thường nghe Ngoại tôi hát khi ru cháu ngủ:

Ầu ơ…

Ngoài đồng lúa chín vàng mơ

Trong nhà bụng đói, mắt mờ chân run…

Ầu, ầu ơ…!!!

     Đó là cái khổ của người nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt lúa củ khoai, nhưng lại là người đói cơm rách áo… Những ngày cận Tết là những ngày mùa, nhà nhà đều lo thu hoạch vụ lúa trong năm để còn kịp lo cho 3 ngày Tết. Bởi thế thời gian này là những ngày mùa nhộn nhịp, người lớn hay bảo bọn trẻ chúng tôi rằng, “Ngày làm, tháng ăn” mà sao mấy đứa trẻ bây không biết lo gì cả, hở một tí là đi chơi (ý nói một ngày làm việc, ăn được cả tháng). Ngày ấy, nông dân quê tôi làm ruộng còn lạc hậu lắm, không biết cải tiến kỹ thuật canh tác, không biết làm thủy lợi (chỉ trông cậy vào nước mưa thôi), không có các giống lúa ngắn ngày, cao sản như bây giờ; cả vùng cứ trồng những giống lúa mùa, có người trồng những giống lúa mùa muộn như: Trắng lùn, Rá vàng, Trắng tép, Tài nguyên… nên phải thu hoạch ngay những ngày giáp Tết (gọi là lúa đội bàn thờ), có giống lúa như Trắng tép, Tài nguyên phải ra giêng (mồng mười trở lên) mới thu hoạch, vì thế có năm đất khô nẻ, lúa thiếu nước là không no hạt (gọi là bị háp).  

     Tuy canh tác lạc hậu, năng suất lúa không cao nhưng nhờ người nông dân thời ấy có nhiều đất ruộng hơn bây giờ, lại cần cù, chịu khó nên khi thuận mùa cũng lo được cuộc sống gia đình yên ấm. Thuở ấy, người ta sống chậm, không như bây giờ. Mùa lúa chín, trong xóm tổ chức dần công gặt lúa, lúa được gặt xong bó thành từng bó để phơi ngoài đồng khoảng 1 tuần, có khi đến 10 ngày mới gom lại chất thành đống 50 đến 100 bó (gọi là ngố lúa), sau đó mới dùng trâu cộ (kéo) về sân nhà, có nhà để lúa ngoài đồng ăn Tết xong mới kéo về sân. Khi xách lúa thường mỗi tay người ta xách 2 bó, một lần xách được 1 tầm bo (bằng 4 bó lúa). Khi lúa bó về sân, chất cao thành đống hình vuông, hình chữ nhật gọi là cà lang lúa.

(Thu hoạch lúa mùa – ảnh sưu tầm trên mạng)

     Để có lúa hạt, người ta dùng sức người đập vào cối đá, hoặc ghế đập lúa, người nhiều lúa có trâu thì chất ngược bó lúa lên dùng trâu quần lên cho rụng hạt, khi rơm nổi lên dùng chiếc mỏ sảy vít rơm ra, sau đó vê cho sạch, phơi khô trước khi đổ vào bồ chứa (gọi là ví lúa). Cũng có nhà sử dụng liềm cắt rồi đập bồ ngoài đồng, kéo lúa hạt về sân phơi. Ngày nay ít nhà ví lúa, thu hoạch xong là bán luôn.

     Sau ngày đất nước thống nhất, người nông dân rút kinh nghiệm đi tìm những giống lúa mùa sớm để canh tác trong đó giống lúa “một bụi”, “ba bụi” cơm ngon, năng suất khá nên được ưa chuộng. Tuy nhiên thay đổi tập quán trồng lúa mùa từ lâu nay một sớm, một chiều đâu dễ… Tôi còn nhớ, lúc đó tôi đã đi dạy học, đầu tháng Chạp học sinh nghỉ học nhiều vì lúa chín sớm nên chim chuột cắn phá, học sinh phải nghỉ học ở nhà giúp cha mẹ ra đồng đuổi chim, ngành Giáo dục phải cho học sinh nghỉ 1 tuần để phụ giúp gia đình.   

     Những ngày cận Tết, dưới sông đã có những ghe chở trái cây, hoa kiểng từ vùng Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long… đem về bán phục vụ cho những ngày Tết.

Ảnh minh họa: Miền tây những ngày giáp Tết (ảnh sưu tầm trên mạng)

     Sáng sớm, theo ba tôi lên ruộng thăm đồng và thăm công lúa nếp ba trồng để nhà ăn Tết, lúc ấy trời nhiều sương mù, dưới kênh xuồng ghe đi lại nhiều, vì sương mù không thấy nhau nên tiếng la í ới “quát – cạy” vang trên mặt sông, cũng may đa số là xuồng chèo nên có va chạm tí cũng không sao. Đến ruộng, tôi choáng ngợp với mùi thơm của hương lúa mới giữa trời đầy sương. Mấy cha con vào chòi ruộng ăn cơm sáng chờ mặt trời lên cho tan bớt sương mù, cơm nước xong ba tôi lấy vòng gặt (dụng cụ cắt lúa của nông dân vùng đất này) ra khoảnh lúa nếp vừa chín tới (gọi là ngon hái), ba gặt vội mươi bó, tôi cùng chế (chị) hai tôi phụ ba gom lại và trãi mãnh đệm ra để đạp từng bó lúa nếp cho rụng hạt rồi lấy thúng xúc lúa nếp đổ vào bao đến khi đủ dùng quết mấy mẽ cốm dẹp, vài cối (còn gọi là ổ) bánh phồng, một nồi bánh Tét để ăn Tết.

     Công việc làm nông luôn cực nhọc, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng người dân quê tôi vẫn cần cù, chịu khó, bao sương nắng làm cháy sạm làn da nhưng họ vẫn lạc quan, hy vọng rồi sẽ được mùa, lúa vàng đầy bồ, gia đình ấm no, hạnh phúc.

     Giờ thì người nông dân Vĩnh Thuận đã sướng hơn rồi, canh tác lúa ngắn ngày năng suất cao, cấy giống lúa đặc sản để bán có giá hơn, làm nông giờ có cơ giới giúp sức, thu hoạch lúa bằng máy nên đở cực nhọc hơn và biết kết hợp nuôi trồng thủy sản để tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng nông thôn mới. 

Bài viết: Thượng Ngươn

Hội viên CGC Vĩnh Thuận

Những ký ức khó quên (phần 1). Nhớ cái tết thời bao cấp

Những ký ức khó quên (phần 3). Đêm giao thừa và nồi bánh tét

Những ký ức khó quên (phần 4). Những ký ức về nghề dạy học