Những ký ức khó quên (phần 1)

Lượt xem:

Đọc bài viết

Phần 1. Nhớ cái Tết thời bao cấp

     Tháng Chạp về, trời bắt đầu se lạnh, buổi sáng ngồi uống nước Quán Trà đắng cạnh bờ sông, ký ức trong tôi bổng tràn về hình ảnh cái Tết thuở nào, tôi cảm thấy ngọt ngào như những cái bánh tét, bánh phồng được làm ra trong sự đoàn kết, ấm áp của tình làng nghĩa xóm; đời sống người dân quê tôi ngày ấy (thời còn bao cấp) tuy khó khăn, thiếu thốn về vật chất, nhưng chan hòa tình người, càng hồi tưởng tôi càng nhớ những cái Tết năm xưa da diết.

     Thấy tôi trầm ngâm đưa mắt nhìn xuống dòng kênh xáng nước lững lờ trôi, Thầy Liêm (CV Phòng GD) chợt hỏi: Suy nghĩ gì mà nhìn đăm đăm dòng kênh thế?

     Tôi chợt quay lại trả lời: Mình nhìn xuống kênh và nhìn sang bên kia chợ, lúc này tuy dịch bệnh, nhưng giờ cận Tết rồi, đã thấy không khí Tết đến gần rồi Liêm ạ! Nhìn ghe xuồng đi chợ đông đúc, trên lộ tiếng xe, dưới kênh tiếng võ máy, tiếng người ồn ào, mọi người đã có động thái đón Tết rồi, làm mình nhớ những cái Tết thời còn gian khó quá đi. Rồi bổng dưng tôi kể cho Liêm nghe ngày xưa, khi chúng tôi còn trẻ, đón Tết ở vùng đất này như thế nào.

     Vào những năm 1975 đến 1985, lúc đó đất nước mới vừa thống nhất cuộc sống còn rất khó khăn, hàng hóa công nghiệp rất ít, mọi thứ đều thiếu thốn không như bây giờ, thời bao cấp mà, thời của tem phiếu, của cửa hàng quốc doanh… Tuy nhiên không khí Tết hàng năm thường đến sớm, đầu tháng Chạp là có tiếng pháo nổ đì đùng cho đến những ngày cận Tết. Lúc đó có lẽ mọi người, mọi gia đình đều chỉ tập trung cho cái ăn no, mặc ấm mà thôi, bọn trẻ chúng tôi khi Tết về mới được cha mẹ lo cho được chỉ một bộ quần áo mới là ngon lành rồi (thời bao cấp mỗi người chỉ được cấp tem phiếu 4 mét vải/1 năm); đâu như bây giờ, hàng hóa đầy ắp, có đủ từ bình dân đến hàng cao cấp, ai cũng có điều kiện để “ăn sang, mặc đẹp” và còn so đo hơn thua nhau cả thời trang, đẳng cấp.

     Hớp một ngụm trà Lipton vào miệng, nuốt vào cổ họng, tôi kể tiếp:

     Sáng nay, trên đường đến cơ quan, trước khi ghé quán Trà đắng uống nước với Liêm, anh bon xe ngang chợ, chợt nghe thoang thoảng một mùi thơm rất quen thuộc. Dừng xe lại nhìn quanh, cạnh ngã ba đường lên dốc cầu mới thấy xe khoai mì hấp đang bốc khói nghi ngút. Mùi khoai mì hấp có gì lạ đâu, thức ăn dân dã ấy đã một thời làm no dạ biết bao người dân quê nghèo khó, cũng là món ăn mà thời đi học Sư phạm năm 1977 rất thân thuộc với tôi (ngày nào cũng ăn 20 xu); vậy mà bất chợt ngửi thấy nó trong những ngày cuối năm này, lòng tôi bỗng nao nao, thấy nhớ những nồi khoai mì hấp to đùng má tôi nấu bưng ra đổ vào lòng cối còn nóng hổi, Ba tôi cùng bác Sáu, dượng Mười người cùng xóm, mình trần giữa trời se lạnh, cầm chày quết bánh. Bao lâu rồi nhỉ? Có lẻ hơn 40 năm rồi nhà mình không quết cớm dẹp, không quết bánh phồng để ăn Tết?

Quết bánh phồng – Ảnh sưu tầm trên Internet

     Những ngày cuối năm bận rộn càng làm tôi nhớ những ngày giáp tết thuở xưa của quê mình, nhớ cái không khí nhà nhà lo chuẩn bị bánh mứt ăn Tết, vì bánh mức sản xuất công nghiệp rất ít, cửa hàng nhà nước bán phân phối (thường ít khi bán bánh mức), không như bây giờ bày hàng ngập tràn cả phố chợ… Vì vậy ai cũng phải tự làm bánh mức từ gạo, nếp, đậu, trái cây, khoai củ có sẵn được trồng tỉa trong vùng… , mà xôm tụ nhất là những ngày quết bánh phồng, làm cốm. Càng nhớ, tôi càng cảm phục và thương má tôi và những bà mẹ quê, đảm đang, chịu thương, chịu khó và rất khéo tay, biết làm nhiều loại bánh từ gạo, nếp.

     Giữa tháng Chạp là không khí đã nhộn nhịp rồi, thường lúc 4 giờ sáng khi trời còn lạnh lắm, sương mù ướt đẩm cả cây cối, khi các chàng trai, cô gái mới lớn còn nằm co trong chăn ấm say giấc nồng (lúc này là lúc đang ngủ rất ngon) thì đã bị người lớn gọi vựt dậy để tham gia cùng láng giềng làm bánh; tiếng chày quết bánh phồng cứ vang lên ình ịch, ình ịch; những người đàn ông, trai tráng lưng trần lực lưỡng người đầy mồ hôi, thỉnh thoảng dừng lại gác chày lên miệng cối thở phì phò trong làn sương mỏng, việc quết bánh phồng rất nặng nhọc, nhất là quết bánh phồng nếp, phải có sức khỏe mới làm được.

     Công việc làm bánh Phồng là công việc cần nhiều người cùng làm vì có nhiều công đoạn: nấu xôi nếp, nấu khoai mì, cho vào cối quết nhừ thành bột, vo bột tròn từng cục như chiếc bánh trôi, để lên mâm cán ra trên lá chuối, chuyển cho người dán bánh lên tấm đệm bàng hoặc chiếu mới và đưa ra ngoài sân phơi, lúc ấy tôi cũng là chuyên gia cán bánh nha mọi người. Công việc tuy cực nhọc nhưng tiếng cười nói râm ran, làm tan đi cái se se lạnh của những ngày cận Tết, và cứ thế hôm nay nhà tôi, hôm sau nhà cô dượng Mười, ngày kia tới nhà bác Sáu… cả xóm cùng dần công giúp nhau, ba ngày Tết nhà nào cũng có đầy đủ bánh, mức đón Xuân, tuy những món bánh mức tự gia đình làm ra không cao sang, nhưng ấm áp nghĩa tình.

Công đoạn cán bánh-dán bánh để đem phơi. Ảnh sưu tầm trên Internet

Phơi bánh Phồng mì – Ảnh sưu tầm trên Internet

     Tôi còn nhớ, khi chị gái tôi đi lấy chồng nhà lúc đó còn mấy anh em trai thôi, nhưng gần ngày Tết chúng tôi cũng làm bánh như con gái, dưới sự hướng dẫn của má tôi, chúng tôi chia công việc cho nhau phụ má gói bánh tét, bánh ít, làm cốm, mức dừa, mức gừng; rang nếp gõ bánh in; xay bột, đánh trứng nướng bánh kẹp cuống xếp vào thùng để Tết các bạn tới nhà chơi có mà tiếp đãi.

     Đêm ba mươi, cả xóm nhộn nhịp chuẩn bị đón giao thừa, nhà nào cũng vậy, dù khó khăn, ít tiền thì cũng treo sẵn trước nhà 02 dây pháo. Bọn trẻ thì háo hứt chờ đến giờ người lớn châm lữa đốt, để tranh nhau nhặt những viên pháo bị văng ra không nổ vì không kịp bắt lữa, có nhà cúng đón ông bà xong là đốt, sau đó đốt lai rai đến lúc giao thừa… sau ba ngày Tết trước thềm nhà nào cũng đỏ thẫm màu xác pháo.

     Thế rồi đến khi Nhà nước cấm đốt pháo, những cái Tết đầu tiên không nghe tiếng pháo, chúng tôi cảm thấy buồn nhưng dần rồi cũng quen. Khi đất nước mở cửa, xóa bao cấp, đổi mới nền kinh tế, đời sống người dân ngày một sung túc hơn. Cuộc sống hiện giờ so với trước sung sướng quá rồi, hàng hóa dư thừa, bày khắp phố chợ, nhưng trong tôi vẫn nhớ hoài những ký ức êm đềm một thời tuổi trẻ, một thời khó khăn nhưng vô cùng hạnh phúc, khó quên.

(Còn tiếp)

Thượng Ngươn

Hội viên CGC huyện Vĩnh Thuận

 Những ký ức khó quên (phần 2). Tháng Chạp và những ngày mùa

Những ký ức khó quên (phần 3). Đêm giao thừa và nồi bánh tét

Những ký ức khó quên (phần 4). Những ký ức về nghề dạy học