Những ký ức khó quên (phần 3)
Lượt xem:
Phần 3. Đêm giao thừa và nồi bánh Tét
Tết là niềm vui chẳng hề nhỏ với bọn trẻ chúng tôi, mỗi lần Tết được cha mẹ mua cho bộ quần áo mới, đôi dép mới là chúng tôi cảm thấy sướng vô cùng, dẫu sau cũng có được bộ cánh tươm tất đi chơi mấy ngày Xuân cùng chúng bạn, nhất là khi gặp mấy cô hàng xóm cùng trang lứa cũng thấy tự tin hơn…
Hôm nay thầy Liêm hẹn tôi uống nước quán Sông Đăng, quán nước mới xây dựng cạnh dốc cầu Kinh xáng bên bờ khu phố Vĩnh Phước 1 – thị trấn Vĩnh Thuận. Cái quán có một tầng gác, xây dựng hình vuông có bố trí tiểu cảnh trông khá đẹp, mặc dù còn dịch bệnh nhưng khách cũng khá đông, tôi và Liêm lên tầng gác chọn chiếc bàn ở góc phía ngoài sông để tránh tiếp xúc nhiều người (vì sợ lây Covid). Gọi nước xong (Liêm Lipton đá, tôi ly Lipton nóng), Liêm gợi ý: Chuyện về Tết xưa ở vùng đất này anh kể chưa hết, giờ kể tiếp đi chứ!
Tôi cười, hớp một ngụm trà Lipton ngậm vào miệng, nuốt xuống cổ, rồi kể tiếp chuyện Tết ở quê mình:
Hồi đó cứ tầm ngày 29, 30 tháng Chạp, đêm trời se lạnh (bây giờ không thấy lạnh nữa, mới có mấy mươi năm mà thời tiết thay đổi nhiều quá, do biến đổi khí hậu mà giờ Tết chẳng còn ai mặc áo len, áo ấm cả). Giữa tiếng pháo nổ giòn, lóe sáng trong đêm, pháo cứ nổ liên hồi không dứt. Lúc chiều Má tôi dựng lò, nhóm bếp để nấu nồi bánh tét vừa gói xong lúc chiều, nồi bánh to có hơn 20 đòn bánh, đủ 3 loại nhân: nhân đậu thịt mỡ, nhân chuối và luôn luôn có 2 cặp bánh nhân đậu ngọt (như nhân bánh ú nước tro), Má nói cặp bánh này má gói cho thằng Ngươn, vì nó rất thích bánh nhân ngọt, thằng kén ăn, không thích nhân mỡ. Má giao cho tôi và thằng em thứ tư canh nồi bánh, giữ lửa cho đều để bánh không bị nín (bánh chín không nhừ, có chỗ còn sống).
Và cứ thế qua nhiều năm, bọn chúng tôi lớn lên trở thành những chàng trai, cô gái đang xuân, tôi vẫn được má tôi giao cho nhiệm vụ canh nồi bánh Tét đêm trừ tịch (đêm 30). Bên cạnh bếp lửa hồng, có bình trà nóng và đĩa bánh mứt (gọi là trà cho sang, chứ thực ra là nước gạo rang được mọi người đặt cho cái tên mỹ miều là “Trà bông lúa”, những năm còn bao cấp đâu có trà mà uống, nhà có đám giỗ quải, cưới xin cũng đãi “Trà bông lúa” hoặc nước lá dừa non thôi, thời buổi kinh tế khó khăn mà), tôi nhớ như in cái vị ngọt ngọt, béo béo của miếng mứt dừa, mứt chuối; vị cay cay của miếng mứt gừng, vị ngọt và thơm của miếng bánh in chế hai (chị hai) tôi làm từ bột nếp mới, trộn với bột mì tinh; tôi cùng đứa em trai nhâm nhi bên bếp lửa khi canh nồi bánh đêm giáp Tết ngoài trời giá rét.
Chợt tôi nhìn thấy V… cô hàng xóm gần nhà, má ửng hồng vì ánh lửa đêm Xuân, V… nhìn tôi cười bẽn lẽn, tự nhiên tôi thấy bối rối vô cùng, tôi đứng dậy nắm tay V… mời ngồi xuống ăn bánh, uống trà nói chuyện cho vui trong lúc chúng tôi canh nồi bánh Tét cho má. Có lẽ bị tôi nắm tay đột ngột, V… vội rụt tay lại rồi trách móc: làm gì mà tự nhiên quá, không được vậy đâu à nha! Tôi cười nhẹ và gật đầu tỏ ý xin lỗi cô nàng…
Thế là tôi có thêm cô bạn cùng canh nồi bánh, chúng tôi chuyện trò râm ran, cùng thưởng thức những món bánh mứt “cây nhà lá vườn” trong khi chờ bánh chín và đón pháo giao thừa… Bỗng đâu bên nhà Bác Sáu vang lên tiếng ca của Nghệ sĩ Minh Vương và Nghệ sĩ Lệ Thủy đang hát bài “Nấu bánh đêm xuân” của soạn giả Quy Sắc. Bài tân cổ giao duyên sao mà trùng hợp quá, làm tôi thấy bâng khuâng, nghĩ ngợi mông lung rồi lén nhìn V… nhưng chẳng biết nói gì… Rồi gần đến giao thừa nồi bánh Tét của má tôi cũng chín, má vớt ra để vào thúng cho rỏ nước và bảo tôi bưng vào nhà, V… cũng đứng vậy từ giả về nhà; nhiệm vụ canh nồi bánh má giao tôi đã hoàn thành, lòng tôi thấy hơi tiếc nuối… vì sao bánh chín nhanh đến vậy!!!
Thế rồi tôi đi học sư phạm, tất cả kỷ niệm tuổi thơ đều bỏ lại sau lưng, bỏ lại bạn bè cùng xóm, và cô bạn láng giềng với đôi mắt đen trong vành nón lá nghiêng che khuôn mặt ửng hồng, với tà áo bà ba trắng đã lắng sâu vào ký ức. Tôi vào đời với nghề dạy học, được phân công dạy ở điểm trường xa nhà hơn 10 cây số, lúc ấy thiếu giáo viên nên tôi phải dạy cả ngày, ban đêm còn dạy xóa mù chữ nên cả tuần mới về nhà một ngày, rồi lại đi vào điểm dạy. Mải mê công việc, vì thực hiện phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm để dân mến dân thương” thì mình mới làm tròn được nhiệm vụ cấp trên giao… Rồi những năm sau tôi lập gia đình, chật vật sinh nhai trong cảnh đất nước còn khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Cô bạn hàng xóm cũng đi lấy chồng, đến nay đã hơn 40 năm chúng tôi không gặp lại, tôi giờ đã bước sang tuổi 66, cô ấy chắc cũng có đủ cháu nội, cháu ngoại như tôi. Kỷ niệm ngồi bên nhau canh nồi bánh Tét cho má tôi thuở nào đã là ký ức, một ký ức đẹp thật khó quên./.
Bài viết: Nguyễn Thượng Ngươn
Hội viên Hội Cựu giáo chức huyện Vĩnh Thuận
Những ký ức khó quên (phần 1). Nhớ cái tết thời bao cấp
Những ký ức khó quên (phần 2). Tháng Chạp và những ngày mùa
Những ký ức khó quên (phần 3). Đêm giao thừa và nồi bánh tét
Những ký ức khó quên (phần 4). Những ký ức về nghề dạy học